Top 3 cuộc chiến làm thay đổi lịch sử thế giới

Nhiều cuộc chiến trong lịch sử thế giới đã làm thay đổi ranh giới chính trị, dân số, kinh tế, tôn giáo, và định hình lại hầu như mọi thứ.

Thế chiến thứ nhất

Thế chiến thứ nhất còn được gọi là cuộc chiến trong chiến hào. Theo đó, quân đội các nước tại mặt trận phía tây châu Âu đối đầu trực diện qua hệ thống chiến hào được xây dựng trải dọc khắp mặt trận. Chiến hào trở thành bảo tàng chiến tranh, nơi các binh sĩ sống, chiến đấu, hy sinh. 

Đây cũng là một trong những cuộc chiến quy mô lớn nhất và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại chỉ đứng sau Thế chiến thứ hai. Mâu thuẫn lợi ích giữa các đế quốc lớn ở châu Âu, và tham vọng tranh giành địa – chính trị được cho là nguyên nhân chính dẫn tới chiến tranh. 


Thế chiến thứ nhất kéo dài từ năm 1914-1918. Ảnh: Brainscape

Sự kiện gây ra Thế chiến thứ nhất là vụ ám sát Archduke Franz Ferdinand, người thừa kế của đế quốc Áo – Hungary vào năm 1914. Trên thực tế, căng thẳng đã gia tăng từ lâu giữa các nước Đồng minh là Anh, Pháp, Nga, Italia, Romania, Nhật Bản và Mỹ với Liên minh Trung tâm gồm Đức, Áo – Hungary, Bulgaria, và Đế chế Ottoman.

Sau gần 4 năm tức vào năm 1918, Thế chiến thứ nhất đã kết thúc với thắng lợi thuộc về phe Anh – Pháp – Nga và đồng minh. Đến tháng 6/1919, các nước thắng trận đã buộc Đức, nước bại trận, ký vào bản hiệp ước hòa bình mang tên Hiệp ước Versailles.

Tuy nhiên, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 18,6 triệu người bao gồm binh lính, dân thường, và khiến khoảng 60 triệu người khác bị thương. Gần 70 nước trên thế giới đã bị lôi kéo vào cuộc chiến dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ở châu Âu đều bị phá hủy với thiệt hại vật chất lên tới 338 tỷ USD. Số tiền các nước tham chiến chi ra là khoảng 85 tỷ USD.

Cuộc đại chiến này còn khởi đầu một thời kỳ lịch sử mới cho châu Âu và thế giới, kéo theo những bất đồng tồn tại dai dẳng như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung khắc tôn giáo, sắc tộc, cọ sát về văn hóa, đối địch về ý thức hệ, và cả thù hằn dân tộc.

Thế chiến thứ nhất cũng làm thay đổi bản chất của chiến tranh. Công nghệ quân sự mới đã trở thành một yếu tố thiết yếu trong nghệ thuật chiến tranh với máy bay, tàu ngầm, xe tăng. Đại chiến còn dẫn đến việc thành lập các đội quân lớn dựa trên chế độ nghĩa vụ quân sự. 

Thế chiến thứ hai

Thế chiến thứ hai bùng nổ vào năm 1939 và là cuộc chiến lớn nhất, chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại khi liên quan đến hơn 30 quốc gia. Khoảng 70 triệu người đã tử vong mà chủ yếu là dân thường chết vì bệnh dịch, đói khát, nạn diệt chủng và bom đạn. 

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bắt đầu ở châu Âu. Sau đó, châu Á, châu Phi, châu Mỹ và vùng Thái Bình Dương đều bị lôi kéo vào lò lửa đó. Cuộc chiến diễn ra giữa các lực lượng Khối Đồng minh và Phe Trục theo chủ nghĩa phát xít.


Thế chiến thứ Hai đã cướp đi sinh mạng của khoảng 70 triệu người. Ảnh: Britannica

Trong đó, chiến sự có quy mô lớn nhất cùng số người thiệt mạng nhiều nhất xảy ra ở khu vực Đông Âu giữa Liên Xô (một nước thuộc khối Đồng Minh) và phe Trục (gồm Đức Quốc xã và 8 nước chư hầu của Đức). Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8/5/1945 (theo giờ Berlin), nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2/9/1945.

Nỗi kinh hoàng lớn nhất trong Thế chiến thứ hai là “cuộc diệt chủng” mà Đức Quốc xã tiến hành chống lại những người Do Thái và người da đen vô tội. 

Chi phí quân sự trực tiếp của các nước tham chiến là 1.384 tỷ USD, thiệt hại vật chất 4.000 tỷ USD. Những nước có số dân thường và binh lính thiệt mạng nhiều nhất gồm Liên Xô với 27 triệu người, Trung Quốc 13,5 triệu, và Đức 5,6 triệu. 

Chiến tranh kết thúc với sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức, Italia, Nhật Bản. Thắng lợi của cuộc chiến chống phát xít có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo ra những tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sang một thời kỳ mới.

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, một liên minh lực lượng quốc tế mới được thành lập để duy trì nền hòa bình thế giới là Liên Hợp Quốc (LHQ). Ngày nay, LHQ có 193 quốc gia thành viên, đóng vai trò là trọng tài quan trọng cho các mối quan hệ quốc tế, giải quyết những vấn đề liên quan đến chiến tranh và xung đột, cứu trợ thiên tai, môi trường, và nhân quyền.

Chiến tranh Lạnh

Vào tháng 4/1947, thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” lần đầu tiên được đưa ra để miêu tả sự chia rẽ chính trị giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc đối đầu kéo dài kết thúc vào năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô. 

Mặc dù, Mỹ và Liên Xô là các đồng minh hiệu quả trong trận chiến chung chống Đức Quốc xã, nhưng họ lại không thể che giấu sự thù địch do đối đầu về hệ tư tưởng chính trị sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc vào năm 1945. 


Chiến tranh Lạnh chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn. Ảnh: Brainscape

Sau đó, trong gần 5 thập kỷ kể từ năm 1946-1991, hai quốc gia và các đồng minh đã bị mắc kẹt trong xung đột căng thẳng kéo dài. Dù cuộc chiến chưa bao giờ được tuyên bố chính thức, nhưng giai đoạn này ghi nhận cuộc chạy đua vũ trang hung hăng, cùng sự xuất hiện của một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, các cuộc chiến ủy nhiệm như chiến tranh Triều Tiên và Afghanistan, và sự tranh giành chính trị, hệ tư tưởng để thống trị thế giới.

Có lẽ thời điểm thế giới tiến sát nhất tới một cuộc chiến hạt nhân hủy diệt quy mô lớn là cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba vào năm 1962, khi Tổng thống Mỹ John F.Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev thực hiện những bước đi cân não để tránh đối đầu hạt nhân mà vẫn giữ được thể diện. Cuối cùng tên lửa đạn đạo của hai bên đã được rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (gần Nga) và khỏi Cuba (gần Mỹ).

Tới năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng chấm dứt sự tồn tại của trật tự thế giới đối đầu giữa hai khối gồm các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa do Liên Xô và Mỹ đứng đầu mỗi khối. 

Có thể bạn quan tâm

10 câu nói đơn giản khiến mọi người tôn trọng bạn ngay lập tức

Sự tôn trọng là con đường hai chiều và thường bắt đầu bằng lời nói. …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *