6 trí tuệ nhân sinh của người xưa đáng để học nằm lòng

Từ xa xưa, cách đối nhân xử thế, đạo làm người của những bậc hiền triết luôn là điều đáng để noi theo. Đến ngày nay, chúng ta vẫn phải công nhận cách sống, cách làm người của họ luôn trở thành những đạo lý, những cảnh giới cao minh. Có lẽ cũng vì thế, họ luôn được sống một đời tự do tự tại.

🔻 1. Trí tuệ giữ mình

Không phải ngẫu nhiên chúng ta thường hay được dạy về sự khiêm tốn, người xưa cũng có câu “Đại trí nhược ngu’, đó là những người thông minh thường hay tỏ ra mình không hiểu biết nhiều hơn ai. Ngược lại còn luôn biết cách khiêm nhường, không vì trí tuệ của mình mà sinh ra tự mãn.

Người biết “giả ngu” đúng lúc không những không khiến người khác cảm thấy ác cảm, ngược lại còn giúp mình được an toàn trước ánh nhìn soi mói của những kẻ xấu. Người càng có hiểu biết, trí tuệ phi phàm lại càng tự nhận mình không bằng ai. Đây chính là cách sống đầy bản lĩnh của bậc quân tử tài trí hơn người.

🔻 2. Trí tuệ giao tiếp

“Không bàn về khuyết điểm của người khác” đây là bài học tiếp theo từ những bậc cổ nhân để lại. Phàm là người ai cũng sẽ có cho mình những khuyết điểm riêng, bậc quân tử sẽ không nhìn vào vẻ bề ngoài mà đánh giá toàn bộ người khác. Cũng sẽ không chăm chăm vào khuyết điểm hòng hạ bệ đối phương.

Hãy đặt mình vào người khác để cảm nhận sâu sắc hơn và thấu hiểu họ rõ ràng hơn. Nên phân tích ở nhiều góc nhìn khác nhau rồi hẵng đi đến kết luận. Chính vì có cái nhìn bao dung như thế, nên người xưa nhìn đâu cũng chỉ thấy tình yêu thương bao la giữa người với người. Hoặc là sự xót thương cho những mảnh đời khác, có lẽ vì thế trong lòng mới không sinh ra đố kỵ. Đây là trí tuệ cũng là tu hành.

🔻 3. Trí tuệ nhẫn nại

Cả xưa hay nay, thì việc nhẫn nại “Lấy tĩnh làm động, lấy lui làm tiến” đều là một việc làm khó khăn, đòi hỏi người thực hiện phải hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ cách đối nhân xử thế. Người sáng suốt sẽ biết đợi chờ thời cơ, biết nắm bắt cơ hội. Không thể vì một phút bốc đồng mà làm hỏng đại sự.

Có thể sự nhẫn nại sẽ gặp khó khăn, khó tránh khỏi những lời chê trách, dèm pha. Nhìn mọi người đang dần tiến lên còn mình thì vẫn cứ đứng yên một chỗ hẳn là không dễ chịu. Tuy nhiên người biết chờ đợi, biết tận dụng một bước lùi biến thành hai bước tiến thì thành công nhất định sẽ đến sớm. Đừng ngại chờ đợi thời cơ, bởi nôn nóng có thể dễ dàng khiến mọi việc bất thành hơn.

🔻 4. Trí tuệ bao dung

Cho người khác một con đường, cũng chính là cho mình một con đường, hà tất phải dồn ai đó đến đường cùng. Người xưa có câu “Dĩ hòa vi quý” để nói về sự bao dung, cái nhìn rộng lượng của người với người. Chúng ta đều muốn có thêm bạn, ai lại muốn kết thêm thù phải không nào.

Trừ những chuyện trái với luân thường đạo lý, ảnh hưởng to lớn đến mức khó thể tha thứ thì những chuyện nhỏ nhặt không đáng là bao hãy bao dung và bỏ qua. Xem xét mọi sự một cách rõ ràng trước khi quyết định. Đôi khi, học cách xem nhẹ mọi chuyện lại là cách giải quyết sự tình tốt đẹp nhất. Giữ được hòa khí lúc hiện tại, sau này còn có thể nhìn mặt nhau, bàn tiếp những chuyện về sau.

🔻 5. Trí tuệ làm người

Làm người không phải lúc nào thể hiện ra mình giỏi, mình cao ngạo cũng sẽ là việc làm hay và sáng suốt. Có khi chính vì đã thông suốt mọi sự nên mới càng làm ra vẻ mặt hồ đồ. Hồ đồ không chỉ là một trạng thái, đây còn là tâm thái, được đúc kết từ sự tu dưỡng qua năm tháng.

Đây cũng chính là cảnh giới làm người mà bất kỳ bậc hiền triết nào cũng đều hướng đến. Việc cao ngạo, đề cao bản thân, xem nhẹ người khác thường sẽ không nhận được sự yêu mến, ngược lại còn tự tìm kẻ thù cho mình. Thử hỏi đây có phải là cách làm của người hiểu chuyện. Hồ đồ một chút, tỏ ra thiếu hiểu biết một chút, cho người khác không gian cũng là cho mình một bầu trời rộng lớn.

🔻 6. Trí tuệ làm việc

Trên đời không có việc gì là mãi mãi tồn tại, không nên cố chấp việc được – mất, thời gian trôi như một dòng chảy, trăng tròn rồi sẽ khuyết. Chúng ta nên học cách chấp nhận mọi sự đã xảy ra như một điều vốn dĩ. Bởi vạn vật luôn đổi thay và đời người là vô thường.

Hiểu được lẽ sống này, chúng ta sẽ nhìn nhận mọi vấn đề, mọi hơn thua trong cuộc sống một cách đơn giản hơn, bình dị hơn. Có như thế tâm mới không dễ bị xao động vì những tác nhân khác bên ngoài. Chúng ta nên học cách tiếp nhận tất thảy mọi chuyện trong đời bằng một tâm thế bình yên, có như thế lòng mới an vui.

Có thể bạn quan tâm

10 câu nói đơn giản khiến mọi người tôn trọng bạn ngay lập tức

Sự tôn trọng là con đường hai chiều và thường bắt đầu bằng lời nói. …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *