‘Dịu kha, 8386’… và bộ sưu tập tiếng lóng Gen Z gây bão mạng trong năm qua

Gen Z thích sử dụng tiếng lóng trong các cuộc trò chuyện vì nó giúp họ xây dựng bản sắc cá nhân và cảm giác thuộc về một nhóm cộng đồng. Việc sử dụng tiếng lóng không chỉ thể hiện phong cách riêng mà còn là cách họ kết nối với bạn bè và văn hóa trực tuyến.

Gen Z lớn lên trong môi trường mạng xã hội với sự bùng nổ của các xu hướng ngôn ngữ mới, vì vậy tiếng lóng trở thành công cụ để họ bắt kịp và tham gia vào những trào lưu sáng tạo. Ngôn ngữ này thường ngắn gọn, giàu tính biểu đạt và phù hợp với tốc độ giao tiếp nhanh của thế giới số. Hơn nữa, việc sử dụng tiếng lóng còn phản ánh sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nền tảng trực tuyến như TikTok, Instagram… nơi các cụm từ mới liên tục được sáng tạo để gây chú ý hoặc tạo sự hài hước, dần trở thành một phần trong giao tiếp hàng ngày của thế hệ này.

Theo một khảo sát được thực hiện với 168 thanh thiếu niên Việt Nam độ tuổi từ 16 – 22 tuổi cho thấy, 86.3% người tham gia thừa nhận sử dụng ngôn ngữ này vì thấy vui vẻ, chạy theo trend và tiết kiệm thời gian, 42.9 % lạm dụng tiếng lóng gây cảm giác khó chịu cho đối phương.

8386

Số 8 (bát – phát) là biểu tượng của sự phát đạt, số 6 (lục – lộc) gắn liền với tài lộc, số 3 (tam – tài) đại diện cho sự vững chắc. 8386 được Gen Z sử dụng để chúc đối phương “phát tài phát lộc” trong một dịp nào đó, như: “Chúc chị em 8386, mãi đỉnh!”… Cụm từ này càng viral hơn khi nhân vật Chải trong phim Đi giữa trời rực rỡ thể hiện lại lời chúc này trong phân cảnh anh đang đóng vai nhân viên bán quần áo livestream.

Manifest

Dùng để chỉ hành động suy nghĩ và tưởng tượng về mục tiêu cho đến khi điều đó trở thành hiện thực, thể hiện sự thành tâm khao khát, mong muốn, mong ước những điều tích cực sẽ đến với mình. Manifest cũng chính là từ khóa được Từ điển Cambridge công bố toàn thế giới là từ của năm 2024 (Word of the year).

Hồng hài nhi

“Hồng hài nhi” là một từ lóng xuất hiện trên mạng xã hội và nhanh chóng trở thành hot trend trong giới trẻ. Từ này có nguồn gốc từ nhân vật Hồng Hài Nhi trong Tây Du Ký, vốn là một cậu bé ngỗ nghịch, nghịch ngợm và khá “lầy lội”. Trong ngữ cảnh hiện tại, giới trẻ hay sử dụng “thợ săn-Hồng Hài Nhi” để chỉ những mối quan hệ máy bay – phi công, yêu người trẻ tuổi hơn mình.

Dịu kha

Thay vì sử dụng “dịu dàng” hay “đằm thắm”, Gen Z ngày nay lại hay dùng “dịu kha” để mô tả một trạng thái nhẹ nhàng, dễ chịu, thoải mái, đằm thắm. “Dịu kha” không chỉ đơn thuần là từ ngữ miêu tả tính cách. Khi sử dụng cụm từ này, người nói thường muốn nhấn mạnh đến sự nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng vẫn ẩn chứa sức hút riêng biệt.

Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới

Cụm từ “đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” cũng phủ sóng mạng xã hội thời gian qua diễn tả trạng thái vui vẻ tột độ, rất hạnh phúc hay phấn khích vô cùng. Câu nói này bắt nguồn từ NSND Tự Long trong tập đầu tiên của chương trình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai”.

Slay

Khi giới trẻ hiện đại dùng trong văn nói, trao đổi trên mạng, “slay” mang nghĩa tích cực, kiểu như “đỉnh”, “ngầu”, “xuất sắc”, hoặc “quá chất”. Đặc biệt, trên mạng xã hội, Gen Z để diễn tả việc ai đó làm điều gì đó rất xuất sắc, ấn tượng, hoặc thể hiện phong cách và sự tự tin vượt trội.

Gen Z thích sử dụng tiếng lóng trong các cuộc trò chuyện vì nó giúp họ xây dựng bản sắc cá nhân và cảm giác thuộc về một nhóm cộng đồng. Việc sử dụng tiếng lóng không chỉ thể hiện phong cách riêng mà còn là cách họ kết nối với bạn bè và văn hóa trực tuyến.

Một số từ lóng khác được sử dụng phổ biến từ vài năm qua như:

Hay ra dẻ quá à: Cách nói lái của “hay ra vẻ quá à”, dùng để châm biếm ai đó tỏ ra quan trọng hoặc làm màu.

Lemỏn: Kết hợp giữa “lemon” (quả chanh) và “chảnh”, dùng để chỉ người kiêu kỳ, chảnh chọe.

Mai đẹt ti ni: Phiên âm của “My destiny” theo ngữ điệu Thái Lan, nghĩa là “Anh là định mệnh của cuộc đời em”.

Xu cà na: “Xu” là cách nói lái của “xui”, “cà na” là loại quả chua chát; kết hợp lại mang nghĩa xui xẻo, mệt mỏi, buồn phiền đến mức chua chát.

In tư: Đây là cách viết tắt của “in 4” – information, thể hiện khi muốn biết hay hỏi xin thông tin cá nhân, đời tư của ai đó.

Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng lóng có thể khiến những người không quen thuộc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi hoặc người ngoài nhóm cảm thấy khó hiểu và dễ gây ra hiểu lầm. Ngoài ra, lạm dụng tiếng lóng có thể làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực trong các tình huống trang trọng.

Tiếng lóng thường mang tính đơn giản, biểu tượng nên hạn chế khả năng diễn đạt các ý tưởng phức tạp hoặc cảm xúc sâu sắc. Đặc biệt, trong môi trường học thuật hoặc công việc chuyên nghiệp, thói quen sử dụng tiếng lóng có thể bị xem là thiếu nghiêm túc, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân.

Có thể bạn quan tâm

Top những dòng họ quý tộc hiếm nhất Việt Nam, sở hữu những đặc quyền, quyền lực nhiều người ao ước

Những dòng họ quý tộc nhất Việt Nam là ‘của hiếm’, chỉ chiếm phần trăm …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *