Khi bạn duy trì các thói quen tiêu cực, dần dần bạn tích tụ căng thẳng và lo âu, đồng thời chúng gây ảnh hưởng nhất định đến sự tự tin và cách bạn nhìn nhận mọi thứ xung quanh. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống cá nhân để xây dựng lối sống hạnh phúc?.
Khi chúng ta bị mắc kẹt trong suy nghĩ tiêu cực, chúng ta thường tự hạn chế bản thân , dễ bị tổn thương, bất mãn và khó tận hưởng những niềm vui nhỏ bé xung quanh. Dần dần, điều này dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Dưới đây là 5 thói quen cần tránh để bạn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, hướng bản thân đến những điều hạnh phúc.
1. Làm nhiều việc cùng lúc (lạm dụng Multitasking)
Pedram Shojai – một bác sĩ Đông y và nổi tiếng với vai trò là tác giả của cuốn sách The Art of Stopping Time (tạm dịch: Nghệ thuật của việc ngưng đọng thời gian) nhằm cung cấp những lời khuyên thực tế về quản lý căng thẳng và tối ưu hóa thời gian.Thông qua đó, Pedram Shojai cho rằng mỗi chúng ta đang mắc kẹt vào vòng xoáy của công việc, do đó cố gắng trở thành một người đa nhiệm trong nhịp sống hiện đại. Nhưng trên thực tế, não bộ chỉ phát huy hết khả năng và thực hiện tốt nhiệm vụ khi chúng ta chú tâm hoàn thành từng công việc, theo mức độ ưu tiên giảm dần. Việc duy trì thói quen đa nhiệm trong thời gian dài có thể khiến bạn dễ rơi vào tình trạng nhiễu loạn thông tin, khả năng xử lý vấn đề kém hiệu quả hay chán nản.
Một nghiên cứu của Đại học Stanford đã chỉ ra rằng những người có thói quen thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc thường có hiệu suất thấp hơn so với những người tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất. Cụ thể, nghiên cứu của Tiến sĩ Clifford Nass đã cho thấy khi làm việc đa nhiệm, não bộ phải liên tục chuyển đổi xử lý các đầu việc, từ đó làm giảm khả năng tập trung một cách đáng kể.
2. Để công việc xâm chiếm thời gian cá nhân
Khi đối mặt với khối lượng công việc chồng chất, cảm xúc của bạn thường không ổn định, liên tục dịch chuyển từ trạng thái tích cực sang tiêu cực một cách nhanh chóng và ngược lại. Điều này có thể được lý giải rằng bạn đang trong tình trạng quá tải vì mọi thứ đang đè nén trong tâm trí. Hệ quả là bạn có thể trở nên thiếu kiên nhẫn, chán nản, bực bội, khó duy trì sự tập trung và đánh mất sự cân bằng trong cuộc sống.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên học cách quản lý thời gian một cách hiệu quả như ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhất, chia nhỏ công việc để dễ quản lý hơn và đặt ra các mục tiêu cụ thể. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn và duy trì sự tập trung vào từng nhiệm vụ một. Điều này còn giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến độ và tạo ra cảm giác chinh phục, thành công khi bạn hoàn thành xong từng phần, giúp nâng cao động lực làm việc. Bên cạnh đó, bạn có thể giảm tải áp lực cho bản thân bằng cách thiết lập những khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi trong ngày như dành vài phút đi dạo, thực hiện một số bài tập giãn cơ để cải thiện lưu thông máu và cảm thấy sảng khoái hơn.
3. Bỏ mặc các mối quan hệ xung quanh
Bạn có biết khi một người có kết nối sâu sắc với các mối quan hệ tích cực không chỉ giúp họ xua tan cảm giác cô đơn mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến stress, trầm cảm và lo âu? Việc dành thời gian gần gũi, trò chuyện cùng những người bạn tin tưởng và yêu mến sẽ giúp não bộ sản xuất nhiều hormone oxytocin hơn – loại “hormone tình yêu” có tác dụng duy trì trạng thái tích cực, vui vẻ, hạnh phúc và đối kháng với cortisol – hormone căng thẳng, từ đó làm dịu hệ thần kinh và tạo cảm giác bình yên sau những ngày dài chìm trong nhịp sống xô bồ.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ các mối quan hệ đáng tin cậy sẽ tạo ra một mạng lưới an toàn giúp bạn cảm thấy được thấu hiểu và chia sẻ, từ đó nhận thức được bạn không hề đơn độc và tăng cường các suy nghĩ thoải mái, lạc quan. Ngược lại, khi quá chú tâm vào các thiết bị điện tử và ít tham gia vào các cuộc tương tác trực tiếp, con người có xu hướng gặp phải vấn đề liên quan đến suy giảm khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội, khiến cho việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ chất lượng trở nên khó khăn hơn. Hậu quả , họ dần thấy bất an và dễ bị tổn thương trước áp lực cuộc sống, đồng thời ít có khả năng tìm thấy niềm vui từ những hoạt động hằng ngày.
4. Liên tục mất tập trung
Nếu bạn liên tục gián đoạn sự tập trung của mình, bạn có thể đối mặt với tình trạng mệt mỏi, chán nản kéo dài. Đó chính là khi bạn đang rơi vào việc “mất khả năng tự điều chỉnh” và dễ đưa ra những lựa chọn vội vàng, thiếu cân nhắc, từ đó những hậu quả tiêu cực. Điều này có thể được lý giải rằng, lúc này não bộ của bạn đang trở nên quá tải và không thể phân tích thông tin một cách hiệu quả. Chẳng hạn, bạn đang triển khai một dự án quan trọng nhưng lại liên tục kiểm tra điện thoại hoặc trả lời tin nhắn vì bị thông báo thu hút sự chú ý. Từ đây, bạn sẽ dễ cảm thấy kiệt sức và rơi vào “nỗ lực ảo” – tình trạng một người cảm thấy mình đang làm việc chăm chỉ nhưng thực tế họ đang không mang lại hiệu quả hoặc giá trị thực sự.
Hơn nữa, việc thiếu tập trung có thể làm giảm khả năng kết nối với người khác vì khi tâm trí không ổn định hoặc bị phân tâm, chúng ta khó chú ý hay tham gia vào các cuộc trò chuyện hay hoạt động chung một cách trọn vẹn. Kết quả, chúng ta có thể vô tình tạo ra khoảng cách giữa mình và người khác, làm cho mối quan hệ trở nên thiếu gắn kết. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc cải thiện vấn đề này, bạn có thể thực hành thiền như một giải pháp hỗ trợ. Bản chất của thiền là khuyến khích con người tập trung vào hơi thở và khoảnh khắc hiện tại. Vì vậy nếu bạn kiên trì duy trì thói quen thiền định, bộ não sẽ trở nên nhạy bén hơn trong việc chú ý vào các nhiệm vụ cụ thể và kiểm soát tốt sự phân tâm. Bên cạnh đó, bạn xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và tích cực chăm sóc sức khỏe tinh thần để đạt được hiệu quả tốt nhất.