5 hành vi cha mẹ tưởng tốt cho con nhưng thực tế đang làm hại con

Nếu không muốn tiêu hao hết tiềm năng của trẻ thì cha mẹ hãy dừng ngay những hành vi này.

Trẻ con giống như một cái cây, nếu bạn để yên cho chúng tự phát triển, chúng có thể lớn lên rất tốt. Tuy nhiên, có một số cha mẹ luôn lo lắng, sợ rằng cái cây không thể lớn lên, vậy là họ hết xới đất lại bón phân; hoặc cây vừa mới nhú lên, họ lại cảm thấy cây chưa đủ thẳng nên lập tức cắm cọc vào để “làm thẳng” cây.

Khi nuôi dạy con cái, điều quan trọng nhất là hỗ trợ chúng lớn lên theo đúng bản chất của chúng . Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ không tin vào khả năng của con mình và tước đi cơ hội phát triển của chúng. Điển hình nhất là 5 hành vi dưới đây, cha mẹ tưởng là tốt cho con nhưng thực tế lại làm cạn kiệt tiềm năng của con, hy vọng bạn không mắc phải bất kỳ điều nào.

1. Làm mọi việc thay con

Nếu bạn nghĩ rằng bạn sắp xếp mọi thứ cho con nghĩa là yêu con thì bạn đã nhầm rồi, thực tế là bạn đang làm hại con. Cha mẹ quá quan tâm đến cuộc sống cá nhân của con cái là biểu hiện của sự không tin tưởng. Ví dụ, một đứa trẻ 4 tuổi muốn giúp quét nhà, nhưng bạn lại cho rằng nó quét không sạch, không cho nó làm.

Khi một đứa trẻ muốn tự mình làm mọi việc, điều đó cho thấy khả năng tự chủ của trẻ đang bắt đầu nảy mầm. Khi chúng ta coi trọng ý muốn “tự làm việc” của trẻ và giảm độ khó của nhiệm vụ theo khả năng của chúng (ví dụ: để trẻ dọn khu vực chơi của trẻ còn bạn dọn khu vực khác), trẻ sẽ có thể trải nghiệm niềm vui “làm việc độc lập”, kích thích mạnh mẽ bộ não bẩm sinh và hệ thống khoái cảm VTA, từ đó nuôi dưỡng một bộ não hăng say và đầy năng lượng.

Khi bạn xem trẻ như một thành viên trong gia đình chứ không phải là một vị khách lúc nào cũng cần “cơm bưng nước rót”, cho phép chúng làm những việc trong khả năng của mình, chúng sẽ có thêm quyết tâm “muốn tự mình làm”. Như vậy, không chỉ khả năng làm việc của trẻ ngày càng mạnh mẽ, mà còn giúp phát triển khả năng tập trung.

Ảnh minh họa

2. Quá nhiều mệnh lệnh (hoặc hướng dẫn)

Cha mẹ càng hy vọng con mình thành công thì họ càng lo lắng và càng muốn nói với con mình rằng “Con nên…”, “Con phải…”, “Đừng làm như thế, phải làm như này”, “Làm thế này mới tốt, làm thế kia không ổn”…

Nếu bạn can thiệp quá nhiều vào việc làm của trẻ và đưa ra quá nhiều chỉ thị, trẻ thực sự sẽ trở nên nghe lời nhưng đồng thời sẽ mất đi tính tự chủ và khả năng suy nghĩ độc lập. Một khi chúng quen với việc làm theo sự hướng dẫn của người khác để giải quyết mọi việc, sau này khi cần phải tự mình đối mặt với khó khăn, chúng sẽ không thể tiến bước.

Vì vậy, đừng can thiệp vào những việc con cái làm một cách thái quá chỉ vì bạn nghĩ thế là tiện hay vì giả định mà bạn tự đặt ra. Thay vào đó, bạn hãy hỗ trợ và giúp đỡ khi trẻ thực sự cần, hướng dẫn trẻ suy nghĩ kỹ càng và thận trọng khi gặp vấn đề, giúp trẻ điều chỉnh hành vi của mình. Khi bạn truyền tải thông điệp “Bố mẹ nghĩ con có thể làm được” một cách hiệu quả, trẻ sẽ tiếp tục trưởng thành một cách tự lập, phát triển các khả năng mới và mở khóa các kỹ năng mới .

3. Không cho trẻ giúp đỡ

Bằng cách giúp đỡ người khác, một người có thể tận hưởng nhiều cảm giác thành tựu nhỏ và trải nghiệm giá trị của việc được cần đến. Nó có thể mở rộng các kỹ năng của trẻ và nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, điều này có thể chuyển hóa thành những khả năng mới.

Nếu bạn để ý, có một giai đoạn trẻ đặc biệt thích giúp đỡ cha mẹ trong công việc, nhưng nhiều người cho rằng trẻ còn nhỏ, để chúng làm thì mình phải làm việc nhiều hơn. Vì vậy, họ không muốn để trẻ làm việc đó, kết quả là khi con cái lớn lên, chúng sẽ không chủ động giúp đỡ cha mẹ chia sẻ việc nhà, thậm chí ngay cả học tập cũng cần phải thúc giục. Điều này không thể trách chúng, bởi vì khi bản lĩnh tự chủ mới chớm nở của chúng đã sớm bị cha mẹ phá hủy rồi.

Khi một đứa trẻ bày tỏ muốn giúp đỡ bạn, miễn là không có nguy hiểm, hãy thoải mái để chúng giúp. Chúng ta chỉ cần kết hợp với khả năng hiện tại của trẻ, hạ thấp ngưỡng của nhiệm vụ hoặc đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và cụ thể .

Ví dụ như để trẻ giúp đánh trứng, trước tiên bạn có thể mô phỏng theo quy trình như sau: “Con đập thế này rồi tách trứng ra, sau đó là dùng đũa khuấy đều”. Khi xong việc, đừng quên khen ngợi, “Cảm ơn con, con đã giúp mẹ tiết kiệm được rất nhiều thời gian đó!”.

Hãy nhớ rằng, sẵn sàng làm điều gì đó còn quan trọng hơn là làm tốt điều gì đó. Khi trẻ lau bàn mà không sạch, tuyệt đối đừng giành lấy khăn lau và lau lại ngay trước mặt con, điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của chúng.

4. Áp đặt ý tưởng cho trẻ

Chúng ta có kỳ vọng cao đối với con, vì vậy luôn muốn đưa ra các hướng dẫn cho chúng. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không thể vạch ra ranh giới rõ ràng giữa bản thân và con cái , luôn cố gắng áp đặt ý kiến, mong muốn của mình lên con cái, khiến chúng mất đi cơ hội suy nghĩ và hành động độc lập.

Trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, bất cứ khi nào bạn cảm thấy có điều gì đó không hợp ý mình, bạn lập tức ngắt lời trẻ và cưỡng ép nhét vào ý kiến, ý tưởng của mình. Bạn nghĩ rằng cái này cái kia tốt nên con cũng phải làm thế này thế kia dù trẻ không thích và khả năng của trẻ không phù hợp. Những hành vi như vậy sẽ kiềm hãm suy nghĩ và hành động của trẻ, làm giảm tiềm năng của chúng.

Muốn trẻ phát triển thành hình mẫu bạn mong muốn, bạn cần có một trái tim cởi mở, nhìn thấy những điểm tốt của chúng, và tạo cơ hội để chúng trải nghiệm nhiều thứ, tìm ra điều chúng đam mê. Bởi vì chỉ khi hành động theo đam mê, tìm được niềm đam mê của mình, chúng mới có thể bùng nổ tiềm năng của mình.

5. Bắt trẻ làm những việc vượt quá khả năng

Nhiều bậc cha mẹ với tâm thế muốn con “chạy đua” từ sớm, nỗ lực đẩy trẻ tiến lên phía trước.

Trẻ mới chỉ học đi, bạn không thể yêu cầu trẻ chạy, bởi bạn biết dù bạn muốn, chúng cũng không thể làm được. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn mắc phải sai lầm như thế.

Ví dụ, yêu cầu một đứa trẻ ba bốn tuổi nhận biết chữ và đếm số, thậm chí viết chữ. Nếu trẻ thực sự thích học thì không sao cả, nhưng ở độ tuổi cần được chơi đùa, bạn ép buộc chúng làm những việc nằm ngoài khả năng của mình, điều đó sẽ chỉ khiến chúng mất tự tin, cảm thấy mình kém cỏi.

Chỉ khi trẻ tin vào khả năng của mình thì chúng mới có được cảm giác làm chủ, từ đó tự trao quyền cho bản thân. Và điều giúp chúng xây dựng sự tự tin chính là khi chúng cảm thấy “Mình làm được”. Vì vậy, hãy để con bạn thử sức với những thử thách khó hơn, nhưng đó vẫn phải là những việc trẻ chỉ cần nhón chân là có thể thực hiện được và đạt được nhiều trải nghiệm thành công hơn.

Có thể bạn quan tâm

10 điều người EQ khó lòng làm được nhưng lúc nào cũng cố chứng minh mình xuất chúng

Thay vì cố gắng để chứng minh bản thân, người EQ thấp cần một chiến …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *