Ngôn từ có thể vực dậy một người nhưng cũng có thể hủy hoại người đó.
Ngôn ngữ là cầu nối giao tiếp, nhưng đối với trẻ em, lời nói của cha mẹ giống như kim chỉ nam trong quá trình trưởng thành của chúng. Một câu nói có thể khích lệ trẻ vươn tới thành công, nhưng cũng có thể vô tình gieo mầm thất bại, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Dưới đây là 5 câu nói phổ biến nhưng mang tính “sát thương” cao và hậu quả mà chúng có thể gây ra.
1. “Sao con vô dụng thế?”
Câu nói này thường được cha mẹ thốt ra trong lúc tức giận, nhưng ảnh hưởng của nó vượt xa sức tưởng tượng. Trẻ có thể nghi ngờ giá trị của bản thân, dần dần hình thành tâm lý tự ti và thậm chí từ bỏ nỗ lực thử sức với những điều mới mẻ.
Cha mẹ nên thay thế lời phê bình bằng ngôn ngữ mang tính xây dựng, chẳng hạn: “Phần này còn chút vấn đề, chúng ta cùng tìm cách cải thiện nhé!”.
Ảnh minh họa
2. “Con nhà người ta giỏi hơn con nhiều!”
Việc so sánh trẻ với người khác là sự phủ nhận cá tính và không tôn trọng trẻ. Điều này không chỉ gây áp lực mà còn có thể khiến trẻ phát sinh tâm lý phản kháng hoặc từ bỏ cố gắng vì chúng cảm thấy mình không bao giờ đạt được kỳ vọng của cha mẹ.
Cha mẹ nên tập trung vào sự tiến bộ của trẻ và khuyến khích thay vì so sánh. Ví dụ: “Con đã tiến bộ rất nhiều, lần sau chúng ta có thể cố gắng làm tốt hơn nữa”.
3. “Đợi lớn lên rồi con sẽ hiểu, đừng hỏi nhiều!”
Khi trẻ tò mò đặt câu hỏi mà cha mẹ trả lời qua loa, điều này sẽ làm giảm sự ham học hỏi và tinh thần khám phá của trẻ. Trẻ có thể nghĩ rằng câu hỏi của mình là vô nghĩa và dần mất đi hứng thú học tập, tìm hiểu.
Hãy kiên nhẫn trả lời câu hỏi của trẻ. Nếu không có câu trả lời hoàn chỉnh, cha mẹ có thể cùng trẻ tra cứu thông tin, khuyến khích chúng duy trì sự tò mò và ham học hỏi.
4. “Có gì mà khóc, chuyện nhỏ thế thôi!”
Phủ nhận cảm xúc của trẻ khiến chúng cảm thấy cảm xúc của mình không được tôn trọng. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ trở nên kìm nén, khó bộc lộ cảm xúc hoặc không biết cách xử lý cảm xúc khi gặp vấn đề.
Cha mẹ hãy chấp nhận và thấu hiểu cảm xúc của trẻ, ví dụ: “Mẹ biết con đang buồn, hãy kể mẹ nghe xem có chuyện gì, chúng ta cùng tìm cách giải quyết nhé”.
Ảnh minh họa
5. “Nghe lời bố/mẹ là được, đừng tự quyết định lung tung!”
Kiểm soát quyết định của trẻ trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng tư duy độc lập và tự tin của trẻ. Chúng có thể phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cha mẹ và gặp khó khăn trong việc thích nghi với xã hội phức tạp khi trưởng thành.
Là cha mẹ, chúng ta cần cho trẻ một mức độ tự do nhất định, khuyến khích chúng thử nghiệm và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Ví dụ: “Con có thể thử làm thế này, nếu gặp khó khăn hãy nói với bố/mẹ, chúng ta sẽ cùng giải quyết”.
Kết
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, mỗi lời nói, hành động của cha mẹ đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, thói quen và sự phát triển tương lai của trẻ. Lời nói đúng đắn không chỉ giúp trẻ xây dựng sự tự tin mà còn rèn luyện khả năng tư duy độc lập và vượt qua áp lực. Ngược lại, những câu nói tiêu cực có thể làm tổn thương lòng tự trọng và tiềm năng của trẻ.
Cha mẹ hãy khích lệ nhiều hơn, hạn chế phê phán, tạo ra nguồn năng lượng tích cực trong lời nói. Việc tôn trọng cảm xúc và cá tính của trẻ cũng rất quan trọng, bởi lẽ mỗi đứa trẻ đều là duy nhất. Ngoài ra, cha mẹ cần dành tâm sức nuôi dưỡng khả năng tự lập và ra quyết định của trẻ, cho phép chúng được thử nghiệm và mắc lỗi. Hãy dùng tình yêu thương và sự tôn trọng để định hình tương lai của trẻ, để mỗi lời nói trở thành động lực thay vì trở ngại trên con đường phát triển của chúng.