Marketer bỏ túi ngay “từ điển” tiếng lóng của Gen Z!

Bỏ túi các thuật ngữ đang hot hiện nay của Gen Z sẽ giúp thương hiệu trở nên gần gũi và thu hút hơn với các bạn trẻ. 

Gen Z – với sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội và sự đề cao giá trị cá nhân, đã và đang trở thành đối tượng truyền thông chính của nhiều thương hiệu. Việc thuyết phục được nhóm khách hàng trẻ tuổi và thúc đẩy hành vi mua sắm của họ không phải là điều dễ dàng. Thấu hiểu các thuật ngữ và xu hướng đang bùng nổ mạnh mẽ trong giới trẻ sẽ là công cụ đắc lực giúp thương hiệu chinh phục được những “Thượng đế” trẻ tuổi. 

Aesthetic 

Aesthetics bắt nguồn từ thuật ngữ “aisthetikos” của Hy Lạp. Trong tiếng Việt, “aesthetics” thường được dịch là “thẩm mỹ”. Từ này còn chỉ việc nghiên cứu, đánh giá và thưởng thức nghệ thuật. Hiện nay, thuật ngữ “aesthetics” được dùng để phân loại cụ thể về gu thời trang, kiểu trang điểm hoặc phong cách sống.  

Theo Pinterest, từ năm 2018 số lượng người dùng quan tâm tới chủ đề aesthetic ngày càng tăng. Hơn 60% lượt tìm kiếm trên nền tảng đều liên quan tới từ khóa này. Nền tảng TikTok cũng là nơi có số lượng video cực khủng với nội dung chia sẻ về các thể loại aesthetic. 

Clean girl aesthetics là xu hướng từng làm mưa làm gió trên nền tảng TikTok trong năm 2023. Đã có rất nhiều beauty blogger và reviewer dùng thuật ngữ này trong các video trang điểm, giới thiệu sản phẩm

Bestie

Bestie” là từ lóng tiếng Anh thường được dùng để chỉ người bạn thân thiết, phản ánh mối quan hệ chặt chẽ và tình bạn sâu sắc. Thuật ngữ này đã xuất hiện trong nhiều ngữ cảnh khác nhau từ phim ảnh đến âm nhạc và mạng xã hội. Đối với Gen Z, từ này đã trở thành một thuật ngữ rộng hơn để chỉ sự quý mến dành cho ai đó. “Hey, bestie!” là lời chào phổ biến của các bạn trẻ từ mạng xã hội cho đến bên ngoài thực tế.

Các KOLs, người sáng tạo nội dung cũng thường xuyên dùng từ “bestie” trong những video, bài post được đăng tải. Điều này sẽ giúp họ tạo ra cảm giác thân thiết, gần gũi hơn với người theo dõi và hâm mộ. 

Thuật ngữ bestie còn thường xuyên xuất hiện trong những video với nội dung về tình bạn

Cringe

Theo từ điển Merriam Webster, “cringe” là từ ngữ chỉ cảm giác rùng mình khi thấy điều gì đó gây cảm giác khó chịu. Đây còn là tính từ để mô tả điều gì đó xấu hổ, ngượng ngùng đến mức khiến người khác phải co rúm lại. Thông thường, Gen Z sẽ dùng từ này để bộc lộ cảm xúc của mình trước một câu chuyện, sự việc nào đó khiến họ cảm thấy ngại.

Đây cũng là từ lóng cực phổ biến trên mạng xã hội và thường được dùng trong các meme hài hước (Nguồn: Reddit) 

Delulu

Delulu” là một từ lóng đã trở nên khá phổ biến với các bạn trẻ trên mạng xã hội. Đây là phiên bản “biến dị” của từ “delusional”, tạm dịch là ảo tưởng. Từ lóng “Delulu” mang ý nghĩa khá hài hước với người trẻ. Đó là khi họ tự “thao túng tâm lý” chính mình và huyễn hoặc bản thân về một điều gì đó theo hướng tích cực. Không ít Gen Z cho rằng, việc kiên tì với tư duy lạc quan và tự tin sẽ dẫn đến thành công thật sự.

Một câu “thần chú” được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau hiện nay đó chính là “Delulu is the solulu” (hay “delusion is the solution”, tạm dịch khi ảo tưởng chính là giải pháp). Câu nói này được cho là phiên bản nâng cấp của câu “Fake it till you make it”.

Phần mềm học ngôn ngữ miễn phí Duolingo với chú cú xanh nổi tiếng trong giới trẻ cũng từng hô câu thần chú tương tự

Era

Từ “era” đề cập đến một khoảng thời gian hay cột mốc nào đó trong cuộc đời của một người. Thời điểm này sẽ gắn liền với sở thích, hành vi, tình trạng mối quan hệ hoặc đặc điểm cụ thể. 

Chuyến lưu diễn âm nhạc The Eras Tour của nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift đã thể hiện rõ nét các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp âm nhạc của cô. Nhờ sự phổ biến của chuỗi sự kiện âm nhạc này, thuật ngữ “era” đã lan rộng và được ứng dụng bởi đông đảo người dùng Internet. 

“Era ”thường xuất hiện như một phần của cụm từ chỉ khoảng thời gian đặc biệt của ai đó. Chẳng hạn như “In my hot girl era”, tạm dịch: “Trong giai đoạn nóng bỏng của tôi”. 

Gaslight

Gaslight” là thuật ngữ tâm lý học xuất phát từ vở kịch cùng tên – Gaslight vào năm 1938. Thuật ngữ này định nghĩa cho hành vi lạm dụng nhằm thao túng người khác để khiến ai đó nghi ngờ niềm tin hoặc kinh nghiệm của chính họ. Đây còn là từ lóng đề cập rộng hơn đến bất kỳ trường hợp nào về việc ai đó bóp méo sự thật hoặc đánh lừa người khác.

Những câu chuyện về gaslight và hậu quả của việc này đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng (Nguồn: VeryWell Mind) 

Gatekeep

Theo từ điển Oxford, “gatekeep” là hành động kiểm soát hay hạn chế nguồn lực, quyền lực hoặc cơ hội của người khác. Một người “gatekeep” trên mạng xã hội sẽ che giấu thông tin với cộng đồng. Thông thường, họ sẽ không trả lời các câu hỏi về nơi mua thứ gì đó, chẳng hạn như quần áo hoặc sản phẩm trang điểm. 

Đã có nhiều cá nhân từ chối chia sẻ thông tin chi tiết về những điều được đề cập đến trong nội dung mà bản thân đăng tải. Điều này cũng phần nào thể hiện rằng những người sáng tạo nội dung này không hề minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến công chúng. Họ bị chỉ trích và gọi bằng một thuật ngữ khác là “Gatekeeper”, tạm dịch: Người gác cổng. 

Những video chia sẻ cụ thể về đồ trang điểm, mẹo vặt cuộc sống… trên nền tảng TikTok thường đi kèm dòng caption: “Hot girls don’t gatekeep”. Nhiều nhà sáng tạo nội dung đang cố gắng thể hiện rằng họ hoàn toàn minh bạch trong việc chia sẻ thông tin đến cộng đồng mạng

Glow-up

Khái niệm “glow-up” là sự kết hợp giữa hai từ “glow” và “grow up”. Thuật ngữ này được dùng mô tả sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của ai đó, dù là về ngoại hình, lối sống hay tinh thần. 

Những video có nội dung về hành trình “vịt hoá thiên nga” chính là ví dụ trực quan nhất cho việc một người đã glow up hay “lột xác” mạnh mẽ như thế nào

Mid

Mid” là từ viết tắt của “middle” hoặc “middling”, nghĩa là điều gì đó bình thường, trung bình và không mấy ấn tượng. Đối với các bạn Gen Z, đây chính là cách thể hiện thái độ “Cũng thường thôi” một cách khéo léo.

Những bài hát, tác phẩm điện ảnh đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội hay các quán ăn được cộng đồng khen ngợi hết lời… lại càng dễ bị gắn mác là “mid”.  

Năm 2021, nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội TikTok đã làm từ lóng “mid” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các nhà sáng tạo nội dung tha hồ thể hiện ý kiến của bản thân, đặc biệt là với những tựa phim hay sản phẩm được người người nhà nhà tâng bốc (Nguồn: In The Know)

Rizz

Từ điển tiếng Anh Oxford đã mệnh danh “rizz” là “Từ của năm” vào năm 2023. Thuật ngữ này là dạng rút gọn của từ “charisma”, tạm dịch là sức hút.

Từ lóng này rất được lòng các bạn trẻ khi được dùng để miêu tả cho sức hấp dẫn không thể nói nên lời được của một ai đó. “Rizz” còn là một từ ngữ khá hài hước khi ám chỉ việc sử dụng lời nói, hành động, ngoại hình,… để gây ấn tượng và tạo mối quan hệ hoặc với người khác. 

Dạo một vòng trên mạng xã hội, không khó để người dùng bắt gặp những nội dung về 1001 cách rizz để hấp dẫn ai đó. Cộng đồng TikTokers Việt Nam cũng nhanh chóng bắt trend với nhiều video về cách thả thính ấn tượng

Touch grass

Touch some grass” là một thành ngữ khá phổ biến trên Internet và được rất nhiều Gen Z yêu thích. Về mặt ngữ nghĩa, cụm từ lóng này được sử dụng để mỉa mai người nào đó đã dành quá nhiều thời gian trên Internet. Có lẽ, họ cần phải tạm thời “ngắt kết nối” và dành thời gian ngoài trời, kết nối với cuộc sống thực tại.

Thương hiệu Hyper X còn từng đùa rằng, nếu ai đó cần phải ra ngoài và “chạm vào cỏ” thì họ có thể làm nó ngay trên chiếc bàn phím cơ của hãng (Nguồn: Reddit)

Yap 

Yap” là từ lóng thường dùng để đề cập đến việc ai đó đăng quá nhiều trên mạng xã hội. Từ này còn được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hoặc tin nhắn như một cách nói ngắn gọn và thân mật thay cho “nói chuyện” hoặc “bàn tán”.

Nhãn hiệu bánh quy ngọt nổi tiếng OREO đã khiến cộng đồng mạng thích thú khi sử dụng từ lóng để tương tác với người tiêu dùng 

Việc thấu hiểu vốn từ lóng đang ngày càng phong phú trên mạng xã hội sẽ giúp các thương hiệu thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Gen Z. Khi được vận dụng khéo léo, điều này sẽ không dừng lại ở việc tạo ra sự chú ý ban đầu mà còn có thể phát triển thành sự tin tưởng và lòng trung thành với thương hiệu. 

Để làm được điều này, bên cạnh việc nắm bắt những xu hướng mới nhất, thương hiệu cần xây dựng kết nối sâu sắc và mang đến giá trị thật sự cho thế hệ người tiêu dùng trẻ đầy tiềm năng.

Có thể bạn quan tâm

Những người có EQ cao đều có chung 9 điểm này

EQ quan trọng không kém gì IQ, những người có trí tuệ cảm xúc cao …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *