9 thói quen kỳ lạ của những người cực kỳ thông minh

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao những người cực kỳ thông minh lại có những hành động, thói quen và suy nghĩ có phần…”khác biệt”?

Người thông minh thường tư duy vượt ra ngoài khuôn mẫu, tìm kiếm những giải pháp sáng tạo cho vấn đề. Điều này có thể khiến họ hành xử hoặc có sở thích khác lạ, “kỳ quặc” trong mắt người khác. Ví dụ, họ có thể tìm niềm vui trong việc sưu tầm các đồ vật ít ai nghĩ tới, thích các môn thể thao kỳ lạ, hoặc dành nhiều thời gian cho sở thích “không thực tế”. Hãy cùng TRANGTIN khám phá 9 thói quen kỳ lạ của những người sở hữu trí thông minh cao để lý giải phần nào cho sự khác biệt nổi bật và thành công của họ nhé!

1. Mơ mộng

Trong một nghiên cứu được đăng trên Neuropsychologia – tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học hành vi và thần kinh, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) đã chứng minh rằng, những người có thói quen mơ mộng có bộ óc hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ hơn. 

Ảnh: Pexels/Gabriel Machado

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ MRI để giám sát bộ não của hơn 100 tình nguyện viên khi yêu cầu họ tập trung vào một điểm cố định trong vòng 5 phút. Sau đó, các tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện bài kiểm tra trí óc và sự sáng tạo, cùng các câu hỏi liên quan đến xu hướng mơ mộng, lơ đễnh của họ trong cuộc sống thường nhật. 

Khi so sánh kết quả, các nhà khoa học nhận thấy não bộ của những người hay mơ mộng hoạt động năng suất hơn hẳn những người có lối sống thực tế, và điều đó đồng thời trùng khớp với kết quả từ MRI. Kết luận này hoàn toàn trái ngược với những nhận định trước đây, khi nhiều người thường cho rằng những người hay mất tập trung thường đạt điểm kém trong các bài trắc nghiệm trí nhớ, các kỳ thi hay bài kiểm tra khả năng đọc hiểu.

2. Thức khuya

Theo Sleep Advisor, có một sự thật thú vị có thể bạn chưa biết là các tổng thống Mỹ có thói quen thức rất khuya. Trump chỉ ngủ 4 đến 5 tiếng mỗi đêm, thường xuyên làm việc đến 1 giờ sáng, thức dậy lúc 5 giờ sáng, sau đó đọc báo và xem ti vi. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống, Obama có thói quen ngủ muộn, sau khi dùng bữa tối cùng vợ và con gái, ông thường dành 4 đến 5 tiếng ngồi một mình trong thư phòng đọc báo, cập nhật tin tức và trao đổi email. Sau đó, Obama ngủ từ 2 giờ sáng đến 7 giờ sáng và thức dậy tập thể dục. 

Tổng thống Mỹ ngủ ít nhất là George H.W. Bush. Trong thời gian sống tại Nhà Trắng, ông chỉ ngủ 2 tiếng mỗi đêm, từ 2 giờ sáng đến 4 giờ sáng. Tương tự, những người nổi tiếng khác sở hữu chỉ số IQ cao như nhà bác học tài ba Charles Darwin, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà sáng lập hãng xe điện Tesla Elon Musk… đều là những “cú đêm” chính hiệu. Một nhóm nghiên cứu – đứng đầu là những học giả hàng đầu của Đại học Hoàng gia London (Anh) – đã xem xét dữ liệu từ nghiên cứu UK Biobank trên hơn 26.000 người đã hoàn thành các bài kiểm tra trí thông minh, lý luận, thời gian phản ứng và trí nhớ. Sau đó, họ kiểm tra thời lượng, chất lượng giấc ngủ và kiểu thời gian ngủ (xác định thời điểm trong ngày mà họ cảm thấy tỉnh táo và năng suất nhất) của những người tham gia ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của não. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người thức khuya có “chức năng nhận thức vượt trội”, trong khi những người dậy sớm có điểm số thấp nhất. Kết quả từ một nghiên cứu khác đến từ Đại học Madrid (Tây Ban Nha) cho thấy, những người sở hữu chỉ số IQ cao hơn có xu hướng hoạt động về đêm nhiều hơn. 

3. Ở một mình

Ảnh: Pexels/Ozan Çulha

Người thông minh có xu hướng thoải mái hơn khi ở một mình, đây là thông tin được nêu trong một nghiên cứu công bố trên National Library of Medicine vào năm 2016. Thực tế cho thấy, những người thông minh có xu hướng ít hài lòng với việc tham gia các cuộc giao tiếp xã hội thường xuyên, bởi họ trân trọng quỹ thời gian quý báu để tập trung vào những ý tưởng hoặc suy nghĩ sâu sắc. 

Ngoài ra, những người này thường cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong một không gian riêng tư, bởi họ có thể lắng nghe và khám phá chiều sâu nội tâm của mình một cách tuyệt đối, không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại cảnh, như tiếng ồn từ đường sá hay những thông tin nhiễu loạn  trên mạng. Họ có xu hướng tránh xa các cuộc tranh luận vô bổ trên không gian số, tránh lãng phí năng lượng vào những điều vô bổ, không cần thiết. Đôi khi, họ còn yêu thích việc phiêu lưu một mình, tự do chiêm nghiệm, khám phá bản thân, mở rộng tầm nhìn và không bị ràng buộc bởi ý kiến hay sức ảnh hưởng của người khác. Thói quen này thường bị hiểu lầm là dấu hiệu của thái độ kiêu ngạo, chống đối xã hội hoặc không hòa đồng với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế đây là cách để họ rèn luyện khả năng tư duy độc lập, nuôi dưỡng và làm giàu cho thế giới nội tâm của mình. Từ đây, những mối quan hệ xung quanh họ sẽ trở nên chất lượng và tràn đầy sự tích cực, vì người có chỉ số IQ cao thường trân trọng những ai có thể đồng hành cùng họ trong việc chia sẻ niềm đam mê, mục tiêu chung hoặc đơn giản là thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của họ một cách sâu sắc.

4. Liên tục tò mò

Bạn đã từng gặp ai đó liên tục thắc mắc và liên tục đặt ra câu hỏi? Đó có thể là dấu hiệu rõ rệt cho thấy đó là một người sở hữu trí thông minh cao. Nhà vật lý học vĩ đại Albert Einstein có một câu nói nổi tiếng rằng: “Sự tò mò có lý do riêng của nó để tồn tại”. Qua đó, những người thông minh thường có nhiều tò mò không thể được giải đáp thỏa mãn trong “một sớm một chiều”, vì vậy họ không chấp nhận mọi thứ chỉ được nhìn nhận sơ qua bề mặt hay các giá trị bên ngoài. Những người này luôn muốn hiểu tường tận vấn đề bằng cách đặt những câu hỏi ”vì sao” và ”như thế nào”. Sự tò mò này thúc đẩy họ liên tục tìm kiếm thông tin, khám phá những kết nối sâu sắc giữa các sự vật, hiện tượng. 

Bên cạnh đó, người thông minh không ngại đặt ra những câu hỏi khiến người khác có thể coi là “ngớ ngẩn” hoặc không cần thiết. Từ hành vi này, họ sở hữu khả năng quan sát tinh tế và chú ý đến những chi tiết quan trọng nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả mà có thể nhiều người thường bỏ qua.

5. Chấp nhận sự thay đổi

Sự thay đổi có thể là thử thách đối với nhiều người, nhưng với những người cực kỳ thông minh, đó lại là cơ hội để học hỏi và phát triển. Họ không nhìn nhận sự thay đổi như một trở ngại, mà xem đó là một “bài toán” chưa có lời giải, một trải nghiệm để tích lũy kiến thức và mở rộng tầm nhìn. 

Ảnh: Pexels/Ömer Derinyar

Thay vì e ngại trước sự bất định, họ chọn cách đối mặt với khó khăn bằng tâm thế chủ động và lạc quan. Những người cực kỳ thông minh hiểu rằng, chính trong những điều bất định lại ẩn chứa những cơ hội lớn lao mà người khác có thể bỏ qua. Không dừng lại ở việc thích nghi với thay đổi, những người thông minh còn chủ động thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thất bại như một phần tất yếu để phá vỡ các khuôn mẫu cũ, khám phá các điều mới lạ.

 

6. Thấu hiểu và đồng cảm

Trí thông minh không chỉ được đo lường qua thành tích học tập, những phát minh giá trị hay khả năng giải quyết vấn đề phức tạp, mà còn qua khả năng thấu hiểu và đồng cảm. Điều này bắt nguồn từ trí tuệ cảm xúc (EQ) – một yếu tố then chốt giúp người thông minh xử lý tình huống xã hội một cách tinh tế và khéo léo.

Với việc nhạy bén nhận biết và đọc hiểu cảm xúc, họ dễ dàng xây dựng các mối quan hệ bền chặt dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Ngay cả trong những tình huống căng thẳng, họ vẫn có thể tìm ra giải pháp hài hòa, làm dịu đi bất đồng và duy trì sự kết nối. Khả năng này làm nổi bật một khía cạnh đáng ngưỡng mộ của người thông minh: họ không chỉ xuất sắc trong tư duy lý trí mà còn thành công trong việc kết nối cảm xúc và đọc vị người khác. 

7. Giải trí bằng cách đọc sách

Bạn sẽ rất hiếm khi nhìn thấy những người thông minh ít đọc sách, bởi với họ, sách không chỉ là nguồn cung cấp tri thức mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh cho trí tưởng tượng bay cao. Những cuốn sách, dù là tiểu thuyết, thơ ca, hay tri thức khoa học, đều mang đến cho họ động lực khám phá và cơ hội thâm nhập vào những thế giới mới mẻ.

Ảnh: Pexels/Ozan Çulha

Những người thông minh duy trì thói quen đọc sách không chỉ để thu thập kiến thức, mà còn để hiểu sâu hơn về con người, văn hóa, lịch sử và những ý tưởng đa chiều trên thế giới. Như đại văn hào nổi tiếng người Pháp Victor Hugo từng chia sẻ: “Những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời chính từ sách”, việc đọc từ lâu đã trở thành một hành trình cá nhân giúp những người thông minh nuôi dưỡng lòng đồng cảm, và đôi khi họ sẽ tìm thấy những góc nhìn đầy sáng tạo mà cuộc sống thực tế không thể mang lại, như sự an ủi, cảm giác đồng điệu và những lời khuyên bổ ích ẩn sâu trong từng câu chữ. 

8. Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện

Những người thông minh thường nhìn nhận mọi thứ xung quanh một cách toàn diện, giúp họ giải quyết vấn đề hiệu quả và nhận ra những yếu tố tiềm ẩn mà người khác có thể bỏ qua. Thay vì chỉ tập trung vào từng chi tiết nhỏ, họ luôn xem xét bức tranh tổng thể để tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố tưởng chừng không liên quan. Thói quen này giúp họ đánh giá tình huống từ nhiều góc độ, phân tích tác động của từng quyết định và từ đó đưa ra các giải pháp lâu dài.

Từ đây, họ có xu hướng trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, chuyên định hướng cho tổ chức, cộng đồng hay xã hội đi đúng hướng trong tương lai. Những quyết định họ đưa ra thường mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. 

9. Xem trọng kiến thức hơn sự công nhận từ người khác

Carol Dweck, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Stanford, đã nghiên cứu và phát triển lý thuyết về hai kiểu tư duy chính của con người là: fixed mindset (tư duy cố định) và growth mindset (tư duy phát triển). Dựa trên lý thuyết này, những người thông minh thường mang tư duy phát triển và họ có xu hướng tập trung vào quá trình học hỏi, thay vì chỉ quan tâm đến kết quả hay sự công nhận từ bên ngoài. Khi gặp khó khăn hay điều không như mong đợi, họ giữ vững niềm tin rằng sự cố gắng và nỗ lực sẽ có thể cải thiện được vấn đề. Trong khi đó, những người có fixed mindset thường tránh thử thách và cảm thấy bị đe dọa bởi sự thất bại, vì họ tin rằng nếu họ không làm tốt ngay từ đầu, chẳng bao giờ họ có thể giỏi hơn.

Bên cạnh đó, những người thông thái thường cho rằng kiến thức là tài sản vô giá và bền vững hơn bất kỳ lời tán dương nào. Đối với họ, việc được công nhận vì những nỗ lực và sự tiến bộ lâu dài quan trọng hơn nhiều so với những lời khen ngợi hời hợt, sáo rỗng, nhất thời.

Có thể bạn quan tâm

5 cái tên bị cấm khai sinh ở Việt Nam, cố tình đặt sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng

– Danh sách những tên cấm khai sinh tại Việt Nam được quy định rõ …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *