Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20

Tình yêu là đề tài muôn thủa của thi ca. Thật vậy, trên thế giới đã có biết bao thi sĩ, biết bao ngòi bút đã viết nên những áng thơ tình bất hủ. “Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20”  là tập hợp những tác phẩm viết về tình yêu của nhiều nhà thơ trong toàn bộ thế kỷ qua, thế kỷ 20. Tập thơ được lựa chọn từ hàng ngàn tác phẩm  để có 351 bài thơ hay của 299 tác giả tiêu biểu. Công việc tuyển chọn do 2 nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và Quang Huy thực hiện. Tập thơ được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành  năm 2003, khổ sách 19cm.

Với độ dày 511 trang, “Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20” được chia làm 2 phần. Phần 1 là những sáng tác của những nhà thơ từ năm 1900 đến năm 1945 như: Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Tú Xương, Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên…Phần 2 là những sáng tác của những nhà thơ từ năm 1945 đến năm 2000 như: Vũ Cao, Thu Bồn, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Đăng Khoa…Trong đó, có cả những tác giả là người dân tộc thiểu số như: Y Phương, Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui… Lại có những tác giả là Việt kiều như: Thanh Nam, Trần Vấn Lệ, Nguyễn Hồi Thủ… Tất cả những sáng tác của 299 nhà thơ đã được lựa chọn và hội tụ về đây tạo nên một thế giới tình yêu đa sắc cho tập thơ tình thế kỷ này.

Tình yêu quả là kỳ diệu mà tạo hóa ban tặng cho con người. Tình yêu đến tự nhiên như quy luật của thiên nhiên, quy luật của cuộc sống. Thi sĩ Nguyễn Bính đã từng so sánh:

“Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Nói đến tình yêu là nói đến những rung động buồn vui, những nhớ nhung hờn giận, những bồi hồi mong đợi, những phấp phỏng oán trách… có lý và vô lý. Tình yêu không kể tuổi tác, ở lứa tuổi nào cũng có rung động của tình yêu. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi khi yêu mang những màu sắc và phong cách khác nhau. Tuổi học trò có sự rung cảm của tình yêu đôi lứa nhưng đó là tình cảm vô tư, trong sáng:

“Mà đến hôm nay anh mới biết

Tình ta như chuyện bướm xưa thôi”

(Trường huyện – Nguyễn Bính)

Còn tình yêu của người thiếu nữ như nụ hoa mới nở, lãng mạn, đẹp đẽ và trong sáng lạ thường:

“Mười bảy tuổi em ra nơi đầu gió

Nhận sao trời làm tín hiệu tình yêu

Mười bảy tuổi em về đây với cỏ

Để không gian sao xuyến buổi ban chiều”

(Bến Bích Động- Giang Quân)

Tình yêu là thứ tình cảm không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Một số người, người bạn đời không may mất sớm, đó là sự mất mát lớn lao trong đời sống tình cảm. Vì vậy, họ rất cần sự bù đắp để lấp đầy nỗi trống trải cô đơn, là chỗ dựa để sống nốt phần đời còn lại:

“Trưởng thành con cái đi xa

Bà về sớm để cảnh già neo đơn

Có người có tiếng vẫn hơn

Phòng khi gió núi, nhỡ cơn mưa rừng”

(Quãng đời phía sau- Lê Đình Cánh)

Thật vậy, cuộc đời mỗi con người so với lịch sử tồn tại của trái đất thì quá ngắn ngủi và mong manh nhưng tình yêu có trong tim nhân loài thì vô cùng vĩ đại và mãi trường tồn:

“Dòng nước con nước vèo qua

Trái tim mắc cạn trong tà áo bay

Cỏn con một sợi lông mày

Mà đem cột trái đất này vào anh”

(Buộc- Trần Mạnh Hảo)

Tình yêu có nhiều phương diện, nhiều cung bậc khác nhau, có người được yêu trong hạnh phúc nhưng cũng có người phải yêu trong đau khổ bởi tình yêu đâu phải lúc nào cũng từ hai phía. Tình đời thật trớ trêu khi hai trái tim không hòa chung nhịp đập:

“Tôi tìm, em tìm ai

Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung

Gần nhau mà chẳng yêu cùng

Đơn phương tôi cứ thủy chung một mình”

(Đơn phương- Phạm Đức)

Còn có tình yêu bội bạc, một người đã quên đi rồi mà người kia vẫn cứ thủy chung đợi chờ:

“Ta biền biệt với bao điều phù phiếm

Có biết đâu những đêm rét tê người

Em cô độc với sông Cầu trơ trọi

Đứng chờ ta giữa trắng toát mưa rơi”

(Kinh Bắc- Văn Lê)

Trong đời sống vợ chồng, đôi lúc tình yêu cũng bị san sẻ nhưng đó chỉ là những phút xao lòng thoáng qua,bởi:

“Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ

Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ

Đừng trách chi những phút xao lòng”

(Những phút xao lòng- Thuận Hữu)

Trong tập thơ này còn có những sáng tác của tác giả là người dân tộc thiểu số. Thơ tình của họ mộc mạc, giản dị mà hiển hiện như những bức tranh đẹp và gần gũi. Thơ của họ không chỉ thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng và còn thể hiện được tình yêu quê hương, làng bản:

“Em tắm giữa suối Mường

Tắm trong mối yêu thương

Có anh đang đứng giữ

Chớ để Tây đến Mường”

(Em tắm- Bạc Văn Ùi)

Tình cảm vợ chồng trong chiến tranh xa cách là nguồn động viên lớn lao để đánh giặc:

“Tôi nhớ vợ tôi lắm

Cho tôi về hai ngày

Nhà tôi ở Mường Lay

Có con sông Nậm Rốn

Ngày kia tôi sẽ đến

Lại cầm súng đi ngay

Tôi sẽ bắn trúng Tây

Vì tay có hơi vợ”

(Nhớ vợ- Cầm Vĩnh Ui)

Thế kỷ 20, đất nước ta có đến ¾ thế kỷ phải sống trong bom đạn chiến tranh. Những người lính xông pha nơi chiến trận, họ biết rằng cái chết luôn cận kề nhưng tình yêu của họ thì bất diệt và vĩnh hằng:

“Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa rơi”

(Núi Đôi- Vũ Cao)

Trong chiến tranh, tình yêu của người lính thật cao cả và thiêng liêng. Họ sống để chiến đấu và để yêu. Tình yêu của người lính luôn gắn liền với tình yêu đất nước.

“Nhưng dù chết em ơi

Yêu em anh không thể

Hôn em bằng đôi môi

Của một người nô lệ”

(Hôn- Phùng Quán)

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng từng so sánh:

“Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”

Chiến tranh đôi lứa chia lìa, người chồng cầm súng ra đi bảo vệ tổ quốc để lại người vợ trẻ nơi quê nhà tần tảo nuôi con chờ ngày thống nhất. Trong nỗi vất vả nhọc nhằn, nhan sắc của người phụ nữ có tàn phai theo thời gian cùng năm tháng nhưng tình yêu và lòng chung thủy của họ chính là thứ nhan sắc tuyệt đẹp mà mãi mãi không phai tàn:

“Nhan sắc em là giấc ngủ của con

Là sự tảo tần đêm khuya chờ chồng

Là sớm khuya thân cò lặn lội

Một thời dầm dãi gió sương”

(Nhan sắc- Nguyễn Ngọc Hạnh)

Rồi chiến tranh cũng sẽ đi qua nhưng trong cuộc sống đời thường vẫn còn nhiều vất vả thiếu thốn với nỗi lo cơm áo gạo tiền nhưng tình yêu và tình cảm vợ chồng vẫn là sức mạnh để vươn tới hạnh phúc:

“Em vất vả gầy hơn đêm ít ngủ

Lo cho anh chi chút lên đường

Một viên thuốc đến dăm ba lần dặn

Ốm đau tan từ một lời thương”

(Viết tặng em trong căn nhà chật- Trần Quang Quý)

Tất cả những vần thơ trên như cuốn người đọc vào thực tại, tình yêu có lãng mạn đấy nhưng không hề xa rời thực tế. Đó là nét độc đáo của tập thơ. Cuối cùng, tập thơ như muốn nó với chúng ta một chân lý:

Tất cả sẽ đi qua. Chỉ tình yêu ở lại

Tình yêu giữ cho ta mãi mãi là người

Nếu thé giới này không còn tình yêu nữa

Thì biết đâu trái đất đã tan rồi…”

(Matxcova mùa đông 1990- Trần Đăng Khoa)

Quả thật, với độ dày 511 trang cùng với 351 bài thơ, “Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20” đã phô diễn hết vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như ngôn ngữ của tình yêu. Trên đây chỉ là một phần của cuốn sách. Các bạn hãy tìm đọc tập thơ này để cảm thụ trọn vẹn cái hay của thơ tình cũng như cái kỳ diệu của tình yêu.

Có thể bạn quan tâm

Những lời chúc ý nghĩa Ngày lễ Độc thân 11/11

Ngày lễ Độc thân 11/11, hãy cùng nhau lan tỏa những lời chúc ấm áp, …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *