Tuổi 30 thoát vị đĩa đệm vì nhà Gò Vấp đi làm quận 1

Thứ khiến tôi quyết định bám trụ lại thành phố, không phải là một cuộc sống an nhàn, bình lặng, mà là để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

“Về quê sống sướng hơn bám trụ ở thành phố sống khổ” là quan điểm của không ít người khi nói về lựa chọn định cư, lập nghiệp. Nhưng tại sao nhiều người vẫn chấp nhận cảnh thuê nhà chật chội, chịu gánh nặng chi phí đắt đỏ để ở lại thành phố thay vì về quê cho dễ thở?

Tôi đọc được ở đâu đó một phản biện rất hay về vấn đề này, đó là: “Thứ khiến người ta quyết định bám trụ lại thành phố, không phải là để tìm một cuộc sống an nhàn, bình lặng, mà là tìm kiếm những cơ hội đổi đời, thứ cơ hội mà chỉ ở thành phố lớn mới có nhiều nhất, xác suất cao nhất”.

Cá nhân tôi rất đồng tình với quan điểm này. Đó cũng chính là lý do vì sao không riêng gì ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, con người luôn hội tụ về các thành phố lớn, tạo thành các siêu đô thị ngày càng đông đúc. Không phải tự nhiên mà hàng năm có hàng triệu người di cư đến “xứ cờ hoa” để thực hiện “giấc mơ Mỹ”, hay có hàng trăm ngàn người nhập cư vào Hà Nội, TP HCM để tìm cơ hội đổi đời (học đại học, tìm việc trụ lại ở thành phố).

Dĩ nhiên, sau một thời gian, sẽ có người không trụ lại nổi và buộc phải rời đi, quay về với vùng quê của mình. Nhưng ngày cả khi công cuộc trụ lại thành phố không chỉ toàn màu hồng, dòng người mới di cư đến vẫn luôn luôn áp đảo.

Điều đó chẳng lạ khi mà tất cả tiện ích ở thành phố lớn luôn vượt trội so với các vùng nông thôn: từ y tế hàng đầu, học tập hàng đầu, cơ hội việc làm hàng đầu… đến cơ sở vật chất, tiện nghi công cộng, văn hóa giải trí… Những yếu tố này tổng hòa lại với nhau, khiến thành phố lớn luôn là “thỏi nam châm khổng lồ” hút dân về định cư và sinh sống.

Hà Nội và Sài Gòn đang trong quá trình đô thị hóa, nên chắc chắn sẽ còn tồn tại nhiều tiêu cực, như: tình trạng ngập úng, bụi bặm, ô nhiễm, kẹt xe… nhưng xét về tương lai xa hơn, khi quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện, chắc chắn nơi đây sẽ ngày càng thu hút dân cư hơn nữa.

Không đủ sức chen vào sống trong trung tâm thành phố, nhiều người buộc phải lùi ra các khu vực vùng ven, ngoại thành. Nhưng cuộc sống khó khăn thế nào có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Chính tôi cũng từng phải đi làm từ Gò Vấp vào Quận 1 (TP HCM) trong suốt thời gian sáu năm trời, nên rất thấm cái cảnh nhà ở vùng ven nhưng công ty trong quận nội thành.

Và sau đó, khi vừa bước qua tuổi 30, tôi đã bị thoát vị đĩa đệm, cùng một loạt bệnh khác. Khi đi khám, bác sĩ đã chỉ ra nguyên nhân do tôi ngồi xe máy chạy liên tục trong thời gian rất dài. Giờ tôi phải chữa bệnh rất cực khổ. Thế nên, chẳng lạ khi người ta vẫn cố bon chen vào nội thành ngay khi có cơ hội, bất chấp giá nhà đắt đỏ, không gian chật hẹp.

Cuối cùng, lựa chọn đi hay ở vẫn là quyền quyết định của mỗi người. Nhưng có một điều không thể phủ nhận đó là làn sóng di cư về các thành phố lớn sẽ luôn là chủ đạo, trong xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, ở bất kỳ đâu trên thế giới, vì đơn giản “đất lành thì chim đậu”.

Vấn đề là chúng ta chọn lựa và đánh đổi như thế nào mà thôi.

Có thể bạn quan tâm

Từ khi con nhỏ, tôi đã hận cha mẹ ruột của mình

Nghe có vẻ phi lý nhưng điều này hoàn toàn là sự thật. Chỉ có …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *