Ăn nhiều, không đúng giờ, bỏ bữa sáng, thích ăn vặt và ăn đồ quá nóng là những thói quen ăn uống xấu, làm rút ngắn tuổi thọ.
Ảnh: Ivan Gener
1. Ăn quá nhiều
Thói quen ăn nhiều không tốt cho sức khỏe và dễ khiến bạn tăng cân. Về lâu dài hành động này sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, tuyến tụy và túi mật, dễ gây tình trạng loét, viêm tụy, ung thư tuyến tụy, sỏi túi mật và các bệnh khác.
Nhiều người tự nhận mình là người ăn nhiều và thích lợi dụng việc ăn quá nhiều để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, họ dễ có xu hướng gặp vấn đề về sức khỏe. Sức chứa của dạ dày là có hạn, việc tiêu thụ một lượng lớn đồ ăn trong thời gian ngắn dễ dẫn đến tình trạng giãn dạ dày cấp tính.
2. Ăn uống không đúng giờ
Bí quyết để sống thọ là nên ăn đủ ba bữa một ngày đều đặn. Bữa sáng nên ăn đúng giờ, tốt nhất là một tiếng sau khi thức dậy và không nên quá muộn, lâu dần sẽ dễ gây hại cho sức khỏe.
Tương tự, bữa trưa và bữa tối cũng nên tuân theo một nhịp điệu nhất định. Nếu ăn tối quá muộn và đi ngủ ngay sau khi ăn không chỉ gây rối loạn giấc ngủ mà còn dễ dẫn đến chứng khó tiêu.
3. Có thói quen bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng thực chất là một thói quen xấu. Trong ba bữa một ngày, bữa sáng được coi là bữa quan trọng nhất. Kế hoạch trong ngày thường bắt đầu vào buổi sáng, bởi sau khi tỉnh dậy, chúng ta sẽ sớm tham gia vào công việc và học tập căng thẳng. Nếu bạn thậm chí không ăn sáng, điều gì sẽ xảy ra?
Vào buổi sáng, dạ dày đã nghỉ ngơi sau một đêm và được chuẩn bị để tiếp nhận thức ăn, lượng axit dạ dày lúc này sẽ tiết ra nhiều hơn. Việc ăn sáng đúng giờ sẽ làm trung hòa được lượng axit trong dạ dày, từ đó làm giảm sự ăn mòn của niêm mạc dạ dày do axit dạ dày. Do đó, không ăn sáng lâu dài sẽ khiến dạ dày bị tổn thương.
4. Thích ăn vặt
Đồ uống có ga, đồ ngâm chua, hun khói, chiên rán như khoai tây, bánh kẹo, đều được xem là đồ ăn vặt. Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo, muối, đường, nếu tiêu thụ lâu dài đều không tốt cho sức khỏe, theo thời gian có thể gây ung thư và các bệnh mãn tính.
5. Ăn đồ quá nóng
Thói quen đặc biệt thích ăn đồ nóng và cảm thấy ăn theo cách này mang lại cảm giác dễ chịu hơn khi trời lạnh theo thời gian có thể làm phát sinh các vấn đề về sức khỏe.
Nhiệt độ thức ăn quá nóng (trên 60 độ C) có thể gây tổn thương ở miệng, hầu họng, thanh quản và thực quản. Tổn thương nhiệt do thức ăn nóng được gọi là viêm thực quản cấp tính (Esophageal Thermal Injury – ETI). Ban đầu, niêm mạc thực quản bị kích thích, phù nề do nhiệt độ cao. Tổn thương thực quản kéo dài có thể viêm mạn tính, dẫn đến hình thành sẹo thực quản, thanh quản, nghiêm trọng hơn là ung thư thực quản.