Bước qua tuổi 35, tôi nhận ra trên đời này có 3 thứ không thể mua được bằng tiền, thậm chí càng nhiều tiền lại càng khó mua

Đến cái tuổi biết nghĩ về nửa cuối cuộc đời của chính mình, tôi mới hiểu thế nào là những thứ không thể mua được bằng tiền.

Nhiều người nghĩ rằng tuổi trẻ chỉ cần nỗ lực kiếm thật nhiều tiền, là khi về già chắc chắn sẽ được sống sung sướng, thảnh thơi. Trước đây, tôi cũng nghĩ hệt như vậy. Nhưng bây giờ, ở độ tuổi gần 40, tôi lại chợt nhận ra khi đã ở dốc bên kia cuộc đời, có những thứ dù nhiều tiền đến đâu cũng không thể mua được.

Hoặc nói cách khác, tiền bạc quan trọng – đúng! Nhưng đó chưa bao giờ là điều quan trọng duy nhất. Càng về già, bạn sẽ càng nhận ra bên cạnh tiền bạc, vẫn còn 3 điều quý tựa kim cương. Tôi đã suy ngẫm và ngày càng cảm thấy thấm thía.

Có bao nhiêu tiền cũng không bằng có một cơ thể khỏe mạnh

Tôi có một người bác họ, dù đã 65 tuổi nhưng sức khỏe vẫn vô cùng dẻo dai, thậm chí nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, chẳng ai có thể đoán được chú đã là U70. Trong khi đó, một người chú họ của tôi, dù mới 62 tuổi nhưng lại mắc đủ thứ bệnh, từ gan nhiễm mỡ tới huyết áp cao, chức năng phổi cũng không tốt.

Nhiều lần gia đình có dịp đoàn tụ, tôi mới nhận ra người chú 62 tuổi ngày càng xuống sắc, thậm chí chẳng mấy nữa sẽ phải ngồi xe lăn; còn người bác 65 tuổi vẫn ngày ngày đạp xe, thi thoảng chạy bộ tập thể dục vào buổi sáng.

Sự khác biệt giữa họ là gì, chắc hẳn chẳng cần nói, ai cũng biết.

Ảnh minh họa

Càng có tuổi, chúng ta càng cảm nhận được rõ ràng hơn sự suy giảm nhanh chóng của sức khỏe. Nếu không may mắc bệnh nặng, có bao nhiêu tiền cũng chưa chắc níu giữ được thời gian. Đành rằng sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tự nhiên của cuộc sống, nhưng nếu thời trẻ, người ta chịu sống lành mạnh, biết chăm sóc và lo xa cho sức khỏe của chính mình, khi về già, bản thân sẽ bớt đau đớn đi nhiều.

Dù mới gần 40 tuổi, chưa thể gọi là quá già, nhưng tôi cũng bắt đầu hiểu được câu nói “với người già, thứ giá trị nhất là sức khỏe”. Cả đời làm lụng vất vả, thắt lưng buộc bụng để chăm sóc, nuôi con cái lớn thành người. Tới khi đến tuổi được thảnh thơi, lại ốm đau, chỉ có thể nằm yên trên giường, chẳng phải là vừa đáng buồn, vừa đáng tiếc hay sao?

Có bao nhiêu tiền cũng không bằng có những mối thân tình bên cạnh

Thi thoảng, tôi được nghe mẹ kể về những người bạn của mẹ. Có người 80 tuổi, sinh tới 3 người con – 2 trai, 1 gái nhưng kết cục là vẫn phải ở trong viện dưỡng lão ở độ tuổi gần đất xa trời, vì cả 3 người con đều ra nước ngoài lập nghiệp. Họ rất giỏi giang và thành công, cũng sẵn lòng đón bố mẹ ra nước ngoài chăm sóc, nhưng thế hệ các cụ đâu phải ai cũng chấp nhận rời bỏ quê hương – nơi đã gắn bó cả cuộc đời.

Đặt sự nghiệp, cuộc sống cá nhân và cha mẹ lên bàn cân, nhiều người con sẽ ưu tiên điều thứ nhất, có lẽ vì họ nghĩ rằng chi bộn tiền cho bố mẹ ở viện dưỡng lão 5 sao cũng là một cách báo hiếu; mà không hiểu rằng người già sợ nhất là cảm giác cô đơn.

Ảnh minh họa

Cứ mỗi khi nhắc tới chuyện này, mẹ tôi lại rưng rưng vì thương người bạn của mình. Mẹ tôi cũng đã có tuổi, không thể tự lái xe, ngồi taxi chừng 30 phút thôi là đã chóng mặt, mỏi người. Vậy mà đều đặn mỗi tháng 1 lần, bà đều bắt taxi tới thăm người bạn trong viện dưỡng lão. Ngoài mẹ tôi ra, không có ai đến thăm bác ấy.

Nghe mới thấy đau xót làm sao. Rõ ràng, bác chẳng thiếu tiền, con cái bác cũng rất dư dả giàu có, nhưng bác có hạnh phúc không? Tôi đoán là không. Ở độ tuổi ấy, tiền bạc đâu phải là thứ có thể an ủi tâm hồn con người ta.

Có bao nhiêu tiền cũng không bằng những thành tựu, kỷ niệm đẹp thời thanh xuân

Người ta thường hay hoài niệm khi về già, bởi lúc đó, họ chẳng còn sức lực lẫn thời gian để tạo nên bất kỳ thành tựu nào trong cuộc đời. Đó là lúc mà người ta sẽ nghe tin buồn nhiều hơn tin vui, và sau đó cũng chỉ biết thở dài, tự hỏi “không biết bao giờ đến lượt mình”.

Gần đây vào lúc hoàng hôn, mẹ tôi hay bắc ghế ngồi trước hiên, phe phẩy cái quạt giấy trong tay và nhìn xa xăm. Những lúc như thế, nếu tôi tới gợi chuyện, bà lại kể về những kỷ niệm từ thời hai mấy ba mươi, khi bản thân vẫn còn trẻ, còn cùng bạn bè học hành, lập nghiệp.

Mẹ tôi luôn miệng bảo bà đã sống một đời không có gì phải hối tiếc. Trẻ thì chăm chỉ học hành thành tài; trưởng thành hơn một chút thì lập gia đình rồi toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái, làm chỗ dựa vững chắc cho bố tôi; tới lúc trung niên, khi con cái đã phương trưởng, bố mẹ cũng có thời gian cùng nhau đi du lịch vài nơi trước khi bố tôi chào tạm biệt mẹ tôi trước, bỏ bà ở lại.

Mấy chục năm cuộc đời, đến cuối cùng, ở tuổi trung niên, lại gói gọn trong vài câu ngắn ngủi, súc tích thế thôi đấy.

Ảnh minh họa

“Phải sống vì mình nữa con ạ. Chăm con, chăm chồng nhưng cũng đừng quên chăm mình” – Mẹ đã dặn tôi như vậy. Và tôi đoán, trước đây, mẹ cũng thế nên giờ này, ở độ tuổi ngoài 80, bà mới không có gì để nuối tiếc. Mỗi khi nghĩ về quá khứ, về tuổi trẻ đều là một lần mỉm cười.

Tôi nhớ mình từng đọc được một đoạn văn, đại ý rằng những điều khiến người ta hối tiếc khi về già chính là những thứ người ta đã xem thường khi còn trẻ. Ở độ tuổi “nửa chừng xuân” – chưa đủ già nhưng cũng chẳng còn trẻ như tôi, thú thực, tôi rất sợ tuổi xế chiều của mình ngập ngụa cô đơn và nuối tiếc. Và tôi cũng hiểu, để tương lai đó không xảy ra, cách tốt nhất là chuẩn bị cho nó từ bây giờ: Một sức khỏe tốt, những mối ân tình và những kỷ niệm, những thành tựu của riêng mình.

Có thể bạn quan tâm

5 điều người có EQ thấp thường làm khi được mời đi ăn

Tránh 5 hành vi này sẽ giúp bạn nâng cao EQ và ghi điểm trong …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *