7 đặc điểm tính cách của những người có tài chính ổn định

Những người có tài chính ổn định thường có những đặc điểm tính cách đặc trưng, giúp họ quản lý tiền bạc thông minh, đầu tư hiệu quả và tránh xa những cạm bẫy tài chính.

Sự ổn định tài chính không chỉ đơn thuần dựa vào thu nhập cao, mà còn nằm ở cách quản lý và sử dụng tiền hiệu quả. Thay vì chạy theo những giá trị hào nhoáng nhất thời, người có nền tảng tài chính vững chắc thường tập trung vào sự bền vững lâu dài.

Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa họ và những người vẫn đang loay hoay với bài toán tài chính cá nhân? Câu trả lời nằm ở những đặc điểm tính cách giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt, quản lý dòng tiền hiệu quả và luôn sẵn sàng ứng phó với mọi biến động. Nếu bạn muốn cải thiện tình hình tài chính của mình, cùng TRANGTIN khám phá 7 đặc điểm quan trọng của những người có tài chính ổn định trong bài viết này nhé!

1. Đặt ra những mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường

Những người có chiến lược tài chính bền vững luôn xác định được rõ hướng đi của mình. Họ không chỉ dừng lại ở mong muốn có được một khoản tiền tiết kiệm, mà còn đặt ra những mục tiêu cụ thể như: “Trong 5 năm tới, tôi sẽ tiết kiệm được được 1 tỷ để mua nhà” ” hay “Mỗi tháng, tôi đầu tư 15% thu nhập”. Những kế hoạch rõ ràng này không chỉ giúp họ theo dõi tiến độ hoàn thành quỹ tiết kiệm mà còn hạn chế chi tiêu cảm tính, giữ vững kỷ luật tài chính và từng bước tiến gần hơn đến sự ổn định lâu dài.

 

Ảnh: Unsplash/Eir Health

Một kế hoạch tài chính vững vàng không chỉ giúp bạn đảm bảo cuộc sống hiện tại mà còn tạo nền tảng để phát triển trong tương lai. Khi bạn có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư hợp lý, bạn sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc đột ngột hay lo lắng về những khoản chi tiêu bất ngờ. Quan trọng hơn, xây dựng kế hoạch tài chính khoa học còn giúp bạn nắm bắt được những cơ hội tốt hơn. Chẳng hạn, nếu có một khoản tiết kiệm đủ lớn, bạn có thể đầu tư vào một dự án tiềm năng, học thêm kỹ năng mới để nâng cao thu nhập, hoặc đơn giản là tự tin theo đuổi những mục tiêu lớn hơn và không bị ràng buộc bởi áp lực tài chính.

2. Rèn luyện kỷ luật và trì hoãn sự thỏa mãn

Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng mua sắm theo cảm xúc, khi nhìn thấy một món đồ đang là xu hướng, một chương trình giảm giá hấp dẫn hay chỉ vì bất chợt nghĩ rằng mình sẽ cần đến nó? Khi “chốt đơn”, bạn có thể cảm thấy phấn khích và hạnh phúc tràn ngập vì não bộ đang sản sinh dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác vui vẻ.

Tuy nhiên, trạng thái hưng phấn này thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, còn hóa đơn và ngân sách cá nhân bị thâm hụt có thể để lại những hậu quả lâu dài. Sau khi cảm giác hào hứng qua đi, bạn có thể nhận ra món đồ vừa mua không thực sự cần thiết, hoặc tệ hơn, nó trở thành một trong nhiều khoản chi khiến tài chính cá nhân trở nên eo hẹp. Nếu việc mua sắm theo cảm xúc lặp lại nhiều lần, bạn có thể rơi vào bẫy tiêu dùng một cách không kiểm soát. 

Sự an tâm về tài chính không chỉ dừng lại ở việc có nhiều tiền trong tài khoản, mà còn là cảm giác tự chủ và không bị áp lực bởi những khoản chi tiêu không cần thiết. Khi tài chính vững vàng, bạn có nhiều lựa chọn hơn, ít bị căng thẳng hơn và có thể tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn trong cuộc sống. Như Timothy Ferriss – một doanh nhân, nhà đầu tư và đồng thời là tác giả của đầu sách nổi tiếng Tuần làm việc 4 giờ – từng nói: “Hãy tập trung vào những gì bền vững, thay vì chạy theo những phần thưởng tức thời”. Mặt khác, thông qua thí nghiệm Marshmallow nổi tiếng của Đại học Stanford, những đứa trẻ có thể kiên nhẫn chờ đợi để nhận phần thưởng lớn hơn thường có cuộc sống ổn định và thành công hơn khi trưởng thành. Vì vậy, khi bạn học cách trì hoãn sự thỏa mãn, bạn không chỉ quản lý tốt tài chính mà còn rèn luyện khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. Bạn không còn bị cuốn theo những cám dỗ nhất thời hay những quyết định chi tiêu bốc đồng, mà thay vào đó, bạn chủ động định hướng dòng tiền, ưu tiên những giá trị dài hạn và xây dựng một tương lai bền vững hơn.

3. Kiểm soát cảm xúc khi đưa ra quyết định tài chính

Bạn có biết, tiền bạc không chỉ là những con số khô khan trên bảng cân đối tài chính mà còn gắn liền với cảm xúc và tâm lý của mỗi người? Khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc thất vọng, việc mua sắm có thể trở thành một cách giải tỏa, giúp bạn có cảm giác kiểm soát và cải thiện tâm trạng trong chốc lát. Ngược lại, khi quá phấn khích, bạn có thể đưa ra những quyết định chi tiêu bốc đồng mà không cân nhắc kỹ hậu quả lâu dài. Như vậy, việc giữ cho bản thân trung lập và tỉnh táo trong các quyết định tài chính là vô cùng quan trọng. Khi bạn nhận thức rõ tác động của cảm xúc lên hành vi chi tiêu, bạn sẽ có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn, thay vì để cảm giác quá hưng phấn hay tiêu cực dẫn dắt.

Những người quản lý tài chính khôn ngoan không cố gắng gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc của mình vì họ hiểu rõ đó là điều không thể, nhưng đồng thời họ biết cách nhận diện các cảm xúc đang chi phối quyết định hành vi mua sắm và học cách tạm dừng trước khi hành động. Điều này giúp họ tránh những sai lầm tài chính có thể gây ra hậu quả kéo dài.

Charlie Munger – phó chủ tịch của Berkshire Hathaway, tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ, nắm trong tay nhiều cổ phần của các tập đoàn hàng đầu như Apple, Coca-Cola, American Express – từng nói: “Rất nhiều người có IQ cao nhưng lại là nhà đầu tư tệ hại vì họ có tâm lý quá kém”. Do đó, khi nhận được lương hay có một khoản thu nhập bất ngờ, bạn nên có một kế hoạch sử dụng tiền rõ ràng thay vì bị cuốn theo tâm lý “tự thưởng” cho bản thân. Chẳng hạn, bạn có thể áp dụng quy tắc 50/30/20 – quy tắc chia tiền thành 3 phần: 50% cho các chi phí thiết yếu, 30% cho các khoản chi tiêu cá nhân, giải trí, mua sắm, 20% để tiết kiệm hoặc đầu tư, nhằm phân bổ tài chính hợp lý. Bên cạnh đó, khi bạn đang muốn mua một món đồ, hãy cố gắng đợi ít nhất 24 giờ để cân nhắc xem mình có thật sự đến món đồ đó hay không, nhằm tránh rơi vào bẫy chi tiêu theo cảm xúc.

4. Không ngừng học hỏi và thích nghi

Thực tế, những người quản lý tài chính tốt thường có thói quen liên tục học hỏi và cập nhật kiến thức. Họ luôn chủ động cập nhật kiến thức qua sách vở, tài liệu tài chính hoặc các nguồn thông tin phù hợp, đồng thời theo dõi xu hướng thị trường để đưa ra quyết định phù hợp với mục tiêu cá nhân. Bên cạnh đó, họ linh hoạt trong việc thử nghiệm những chiến lược mới, từ đa dạng hóa các kênh đầu tư đến tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập thông qua các công việc bổ trợ.

Những nghiên cứu của Greg McKeown (Essentialism) và Cal Newport (Deep Work) cho thấy rằng đào sâu một lĩnh vực có thể dẫn đến những bước đột phá lớn – dù đó là trong sự nghiệp hay tình hình tài chính. Riêng với tài chính cá nhân, càng hiểu rõ về lãi suất, quỹ chỉ số hay các chiến lược thuế cơ bản, bạn càng có nền tảng vững chắc để đưa ra quyết định sáng suốt. Đồng thời, kiến thức giúp bạn linh hoạt xoay chuyển khi tình hình thay đổi – thu nhập bị ảnh hưởng hay nền kinh tế suy thoái.

5. Phân biệt rõ mong muốn và nhu cầu

Warren Buffett – tỷ phú, doanh nhân, nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ – từng nói: “Đừng tiết kiệm số tiền còn lại sau khi chi tiêu, hãy chi tiêu số tiền còn lại sau khi tiết kiệm”. Những người có tư duy tài chính khôn ngoan luôn biết đâu là nhu cầu chi tiêu thực sự cần thiết. Một đôi giày hàng hiệu hay một chiếc xe sang trọng có thể mang lại cảm giác hứng khởi ngay lúc mua, nhưng niềm vui này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau khi sự phấn khích ban đầu qua đi, những món đồ xa xỉ này có thể không còn mang lại cảm giác đặc biệt như lúc đầu, trong khi tài chính của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những khoản chi tiêu lớn không cần thiết.

Điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hoàn toàn những niềm vui cá nhân. Bạn vẫn có thể tự thưởng cho bản thân, miễn là bạn hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng và cân nhắc kỹ trước khi chi tiêu. Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Journal of Financial Counseling and Planning cho thấy những người có thói quen tiết kiệm không hề cảm thấy kém hạnh phúc hơn so với những người chi tiêu nhiều. Ngược lại, họ thường cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn vì không phải lo lắng về áp lực tài chính hay nợ nần.

6. Luôn nhìn vào bức tranh tổng thể

Ray Dalio – một trong những nhà quản lý quỹ phòng hộ thành công nhất thế giới, luôn nhấn mạnh rằng tài chính và cuộc sống, là hệ thống vận hành theo chu kỳ dài hạn. Những quyết định vội vàng có thể mang lại lợi nhuận trước mắt, nhưng để thực sự bền vững, bạn cần một tầm nhìn xa hơn, một chiến lược rõ ràng hơn.

hông chỉ riêng giới đầu tư, ngay cả trong cuộc sống thường ngày, tư duy dài hạn là yếu tố quan trọng giúp bạn kiểm soát tài chính thay vì để tài chính kiểm soát mình. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho thấy, những người thường xuyên suy nghĩ về tương lai của chính mình ít có xu hướng chi tiêu bốc đồng và có khả năng đầu tư dài hạn tốt hơn.

Vậy nên, nếu bạn đang cân nhắc một quyết định tài chính, bạn nên dành một chút thời gian để nghĩ xa hơn. Bởi những lựa chọn hôm nay chính là nền tảng cho sự tự do tài chính của bạn trong tương lai.

7. Luôn kiên trì

Thay vì chạy theo xu hướng hay tìm kiếm cơ hội làm giàu nhanh chóng, những nhà đầu tư thành công lại tập trung vào những nguyên tắc cốt lõi, chẳng hạn như đầu tư đều đặn vào các quỹ chỉ số thị trường rộng. Họ hiểu rằng sự ổn định và tăng trưởng dài hạn quan trọng hơn những khoản lợi nhuận ngắn hạn đầy rủi ro.

Chiến lược này không hứa hẹn lợi nhuận nhanh chóng, nhưng lại giúp giảm thiểu biến động và tối ưu hóa khả năng sinh lời theo thời gian. Bằng cách duy trì kỷ luật đầu tư và không bị cuốn theo cảm xúc thị trường, họ có thể xây dựng tài chính vững chắc và nhận lại được kết quả lớn. Do đó, dù một kế hoạch tài chính có hoàn hảo đến đâu, nếu thiếu sự kiên trì, nó khó mang lại kết quả tích cực. Việc điều chỉnh chiến lược theo thời gian là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bạn nên duy trì những thói quen tài chính lành mạnh, như tiết kiệm đều đặn, đầu tư có kỷ luật và tránh những quyết định dựa trên cảm xúc nhất thời.

 

An Khang / SmallBizTechnology 

Có thể bạn quan tâm

43 ĐỊNH LUẬT CUỘC SỐNG CÀNG ĐỌC CÀNG THẤM

1. Định Luật Của Sự Ngu Dốt: Sự ngu dốt phần lớn đều được sinh …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *