Những đứa trẻ đối phó tốt với khó khăn thường có trí tuệ cảm xúc cao. Chúng giỏi trong việc nhận biết cảm xúc của mình và sử dụng các phương pháp tích cực để quản lý cảm xúc đó.
Nhiệm vụ của cha mẹ không phải là bảo vệ con khỏi mọi khó khăn trong cuộc sống, mà là hướng dẫn cho con những phương pháp cần thiết để vượt qua những khó khăn đó. Sau nhiều năm tiếp xúc với hàng nghìn trẻ em và các gia đình, chuyên gia nuôi dạy con Kelsey Mora cho rằng khả năng đối phó hiệu quả với khó khăn không phải là tránh khóc lóc hay luôn giữ bình tĩnh. Nó liên quan đến việc dùng các kỹ năng để quản lý, chịu đựng và giảm căng thẳng. Trao đổi với CNBC, Mora chỉ ra 6 điều mà trẻ em có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao thường nói.
1. “Buồn một chút cũng không sao”: Trẻ em có EQ cao có thể đã được dạy rằng khóc là điều bình thường và mọi cảm xúc đều ổn. Chúng biết rằng cảm thấy buồn, tức giận, thất vọng hoặc lo lắng trong những tình huống khó khăn là điều tự nhiên. Cùng lúc đó, trẻ học được rằng việc có những khoảnh khắc hạnh phúc, vui vẻ trong những thời điểm khó khăn là điều bình thường.
2. “Con cần một chút không gian riêng”: Trẻ em có EQ cao thường nhận biết và quản lý được cảm xúc của mình. Chúng biết các dấu hiệu cảnh báo, như tim đập nhanh, cơ bắp căng thẳng, bụng cồn cào. Lúc này, để tự điều chỉnh cảm xúc và bình tĩnh lại, trẻ có thể chủ động yêu cầu một chút không gian riêng. Thực tế, trẻ học được những kỹ năng này thông qua việc quan sát cách cha mẹ tự điều chỉnh cảm xúc và giao tiếp cởi mở.
3. “Con có ý này”: Sự tự tin và khả năng sáng tạo trong giải quyết vấn đề là dấu hiệu của EQ cao. Khi đối mặt với khó khăn, trẻ có thể hợp tác với bạn bè, người lớn để tìm ra giải pháp hợp lý. Chúng không ngại đưa ra ý kiến của mình và cũng sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ người khác. Việc này giúp trẻ em phát triển các kỹ năng quan trọng như đưa quyết định, nhận thức về cảm xúc, tự tin vào bản thân…
4. “Con không thích”: Trẻ em biết đặt ra ranh giới cho cách chúng muốn được đối xử có khả năng EQ cao. Chúng có thể nói rõ ràng nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của mình một cách hiệu quả. Ví dụ, thay vì giận dữ, trẻ có thể nói: “Con không thích việc bạn sử dụng đồ của con mà không hỏi” hoặc “Con không muốn nói về…”. Trong khi thể hiện giới hạn của bản thân, trẻ em cũng biết tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của người khác.
5. “Bố/mẹ có ổn không?”: Trẻ em có EQ cao không chỉ hiểu và quản lý được cảm xúc của bản thân mà còn rất nhạy cảm và đồng cảm với cảm xúc của người khác. Chúng biết tôn trọng nhu cầu và không gian riêng của người khác, đồng thời thể hiện sự thấu hiểu và chia sẻ trong các mối quan hệ.
6. “Con đã mắc sai lầm”: Cụm từ này cho thấy một đứa trẻ biết tự đánh giá bản thân và không cảm thấy xấu hổ khi mắc sai lầm. Chúng thừa nhận, nói về nó và tìm cách giải quyết để cải thiện tình huống, thay vì trốn tránh trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác. Trẻ em có thể nhìn nhận sai lầm như một cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Điều này thể hiện một tư duy tích cực và khả năng tự nhận thức rất tốt.