Chúng ta đều mong muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, nhưng đôi khi lại không biết nên bắt đầu hành trình này từ đâu. Trên thực tế, bạn có thể trở nên ưu tú hơn theo thời gian nếu không ngừng rèn luyện thói quen tích cực, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Chỉ cần kiên trì thực hiện các thói quen tích cực, bạn hoàn toàn có thể trở nên ưu tú và là phiên bản tốt nhất của chính mình. 6 thói quen dưới đây chính là chìa khóa giúp bạn nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng cuộc sống và tiến gần hơn đến thành công.
1. Kiên trì thực hiện mục tiêu trong 30 ngày
Mọi thành công lớn lao đều bắt nguồn từ những thói quen nhỏ bé, vì vậy nếu bạn muốn chinh phục được một cột mốc nào đó, trước hết bạn cần phải duy trì sự kỷ luật với bản thân. Trong đó, 30 ngày là khoảng thời gian lý tưởng để bạn làm quen và hình thành một thói quen mới. Chẳng hạn, nếu bạn đặt mục tiêu cải thiện khả năng viết của mình, mỗi ngày bạn chỉ cần tích lũy một vài cụm từ hoặc câu văn hay, sau một tháng, khả năng viết của bạn sẽ được nâng cao đáng kể. Tương tự, khi bạn kiên trì tập thể dục từ 15 đến 30 phút mỗi ngày và kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, cơ thể bạn sẽ trở nên thon gọn và săn chắc hơn một cách rõ rệt.
Tuy nhiên, để có thể duy trì thói quen lâu dài, bạn cần rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn và kỷ luật cao. Chắc chắn sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán nản, gặp khó khăn hoặc mất đi động lực, nhưng chỉ cần bạn không bỏ cuộc, bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu mình đã đề ra. Thay vì tập trung lo lắng về kết quả, bạn hãy điều hướng sự chú ý sang việc hoàn thành các công việc trong kế hoạch và tự khen thưởng bản thân khi hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ. Dù sự thay đổi chỉ ở mức 1%, đó vẫn là dấu hiệu cho thấy bạn đang không ngừng phát triển và tiến về phía trước.
Khi vượt qua thử thách 30 ngày đầu tiên, bạn sẽ nhận thấy những tiến bộ rõ rệt và bắt đầu tin tưởng hơn vào khả năng của bản thân. Chính niềm tin đó sẽ là động lực để bạn tiếp tục duy trì thói quen trong 60 ngày, 90 ngày và thậm chí lâu hơn nữa. Cuối cùng, việc duy trì một thói quen tích cực chính là chìa khóa dẫn tới thành công. Bạn sẽ bất ngờ khi nhìn lại và thấy những gì mình đạt được sau một quá trình kiên trì bền bỉ.
2. Tập trung vào hành động
Bạn đã bao giờ gặp phải những người liên tục nói về các kế hoạch, dự định to lớn của họ nhưng cuối cùng lại chẳng thực hiện được bao nhiêu? Và ngược lại, có những người lặng lẽ làm việc, ít nói về bản thân và bỗng một ngày bạn nghe được tin tức đáng ngưỡng mộ về họ?
Trong công việc và cuộc sống, một người luôn làm việc chăm chỉ và cho ra kết quả cụ thể thường được mọi người đánh giá cao và tin tưởng hơn so với người chỉ nói và không thực hiện. Ví dụ, nếu bạn là người sẵn sàng bắt tay vào giải quyết các vấn đề, tìm cách hoàn thành công việc thay vì chỉ nêu ý tưởng, bạn sẽ nhanh chóng được sếp và đồng nghiệp nhìn nhận là người có trách nhiệm và năng lực thực sự. Ngược lại, những lời hứa không đi kèm hành động thường khiến người khác mất lòng tin, bởi chúng không tạo ra giá trị cụ thể.
Vì thế, người ưu tú không cần phải phô trương bản thân, họ chọn cách tập trung vào hành động, từng bước một hướng đến mục tiêu, bởi họ hiểu rằng thói quen này sẽ giúp có thêm cơ hội để học hỏi và phát triển. Khi bạn chú trọng vào hành động, bạn sẽ tránh được những lời hứa hẹn viển vông và thiếu thực tế. Thêm vào đó, tập trung vào hành động sẽ giúp bạn rèn luyện sự tự tin từ chính những gì bạn làm được, đồng thời phát triển một tư duy sắc bén. Từ đó, bạn sẽ xây dựng được những mối quan hệ chân thành và bền vững hơn trong cuộc sống.
3. Giao tiếp với mọi người
Dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, giao tiếp vẫn là chìa khóa quan trọng để bạn tiến gần hơn đến thành công. Một người ưu tú không chỉ được đánh giá qua kỹ năng, kiến thức hay thành tích cá nhân, mà còn nhờ khả năng xây dựng những mối quan hệ tích cực. Giao tiếp cởi mở và chân thành sẽ mang lại cho bạn cơ hội học hỏi, mở rộng tầm nhìn và đón nhận những điều mới mẻ. Bởi đôi khi, có thể thành công to lớn bạn đạt được sau này lại bắt đầu từ một lời chào, một câu hỏi thăm hay một lời động viên.
Khi bạn có khả năng giao tiếp tốt, bạn có thể chia sẻ mục tiêu, truyền cảm hứng và thuyết phục người khác ủng hộ hoặc hợp tác với mình. Ví dụ, bạn có thể dễ dàng nhận được sự đồng ý từ đồng nghiệp hoặc đối tác khi trình bày các ý tưởng của mình một cách rõ ràng và mạch lạc. Bên cạnh đó, việc trò chuyện thường xuyên với các mối quan hệ thân thiết sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của hạnh phúc trong những điều giản dị nhất. Khi bạn lắng nghe câu chuyện, quan điểm và nhu cầu của người khác, bạn đồng thời đang xây dựng sự đồng cảm và thấu hiểu – nền tảng cho một mối quan hệ bền vững, giúp bạn và họ thêm phần gắn bó, góp phần xây dựng những cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai.
4. Hạn chế lo lắng
Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt đã có một câu nói nổi tiếng rằng: “Không một ai có thể làm bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”. Đây đồng thời là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến những người phụ nữ muốn trở nên ưu tú hơn nhưng lại loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, rằng bạn luôn có quyền quyết định về cảm giác và tương lai của mình. Chính vì vậy, thay vì liên tục lo sợ về những điều chưa xảy ra, bạn nên tập trung vào những gì bản thân có thể kiểm soát và trang bị đủ kỹ năng để sẵn sàng đối diện với thử thách. Từ đó, những cảm giác tiêu cực như sợ hãi, tự ti hay lo lắng sẽ không còn chi phối bạn nữa.
Ở mức độ hợp lý, trạng thái lo lắng giúp bạn nhận ra các mối nguy hiểm, từ đó bạn có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho những tình huống phát sinh và tính toán rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn không kiểm soát được tình trạng này, lo lắng thái quá có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, như khiến bạn mắc phải rối loạn lo âu, trầm cảm, sợ xã hội… và làm tâm trí trở nên bất ổn, luôn nghĩ đến những viễn cảnh tồi tệ nhất.
Để giảm bớt cảm xúc tiêu cực, bạn có thể thực hiện các phương pháp đơn giản nhưng đầy hiệu quả như: thực hành chánh niệm, thiền định, hít thở sâu, tập thể dục, viết nhật ký hoặc tâm sự với người thân, bạn bè. Những cách này giúp bạn giải tỏa căng thẳng, nhận thức được bản thân không hề đơn độc và nhẹ lòng hơn trước những áp lực. Khi tâm trí được thư giãn, bạn sẽ nhìn nhận mọi việc sáng suốt và đưa ra quyết định chính xác hơn – chìa khóa vượt qua những khó khăn và tiến lên phía trước một cách vững vàng.
5. Dũng cảm theo đuổi ước mơ
Ngoài việc giúp bạn trưởng thành, dũng cảm theo đuổi giấc mơ sẽ mang lại cho bạn sự thỏa mãn và niềm vui trong cuộc sống, bởi bạn đang làm những gì mình thật sự đam mê, từ đó mỗi bước tiến gần hơn đến ước mơ là một bước bạn đến gần hơn tới hạnh phúc. Sự thỏa mãn này không chỉ đến từ việc bạn thành công chinh phục đỉnh cao mới, mà còn từ quá trình khám phá và cống hiến hết mình cho điều bạn khao khát. Khi bạn được làm những điều mình yêu, cảm giác vui vẻ và hài lòng sẽ tạo ra động lực để bạn tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường phía trước.
Mặt khác, khi bạn tin tưởng bản thân có khả năng và xứng đáng với những điều tốt đẹp, cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp bạn đạt được những điều đó. Khi bạn toàn tâm toàn ý hướng tới mục tiêu của mình, những sự giúp đỡ từ xung quanh sẽ “bỗng dưng” xuất hiện và chỉ dẫn, hỗ trợ bạn đến với thành công. Đó là sự cộng hưởng giữa niềm tin, hành động và những cơ hội bạn tạo ra nhờ chính quyết tâm của mình. Bạn nên nhớ rằng, có những người ưu tú không phải là người sinh ra đã xuất chúng, họ là người dám sống với ước mơ, dám hành động và không ngừng cải thiện bản thân mỗi ngày.
6. Tập trung vào hiện tại
Đã bao giờ bạn dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về quá khứ hoặc lo lắng về tương lai? Điều này có thể xuất phát từ việc tâm lý con người thường có xu hướng bị cuốn vào những điều chắc chắn hay ngoài tầm kiểm soát, khi ấy, chúng ta sẽ bắt đầu hồi tưởng lại những ký ức, sự kiện đau buồn mất mát trong quá khứ để giải thích cho hiện tại, từ đó bắt đầu lo lắng về những điều có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. Khi suy nghĩ về quá khứ và tương lai, chúng ta có thể trở nên sáng suốt hơn nhờ rút ra được những kinh nghiệm riêng cho bản thân mình và lấy đó làm động lực để phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, đắm chìm vào những điều đã qua hay sắp đến quá nhiều chỉ khiến tâm trí của bạn xao nhãng, gia tăng mức độ căng thẳng và dẫn đến sự sản sinh quá mức hormone cortisol – nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Vì vậy, việc tập trung vào hiện tại là một cách hiệu quả để giúp bạn xua tan lo lắng, giảm căng thẳng và tìm thấy bình yên trong tâm hồn. Bạn có thể tham khảo các phương pháp thực hành khả năng tập trung vào thực tại như chánh niệm và thiền định. Chánh niệm giúp bạn chú tâm vào những gì đang xảy ra ngay trước mắt, thay vì suy nghĩ về những điều ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, thiền định với những bài tập tập trung vào hơi thở và sự tĩnh lặng giúp bạn duy trì sự bình tĩnh, cân bằng tinh thần và giảm thiểu lo âu một cách hiệu quả.
Ngoài ra, khi sống trong hiện tại, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày. Khi bạn dành toàn bộ sự chú ý vào một nhiệm vụ, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, tránh được sai sót và có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo. Chính lúc này, bạn dễ dàng đạt được trạng thái dòng chảy (Flow State) – trạng thái xảy ra khi bạn hoàn toàn hòa mình vào công việc và quên đi thời gian. Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn khi sống cho hiện tại, đôi lúc chỉ cần thưởng thức một tách trà ấm, hít thở không khí trong lành, hay đơn giản là trò chuyện vui vẻ với những người thân yêu – những thói quen có vẻ nhỏ bé, đã góp phần xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn.